Bộ Công Thương trả lời kiến nghị của Lai Châu về vốn cho dự án cấp điện nông thôn
Trả lời kiến nghị này của UBND tỉnh Lai Châu, ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) - cho biết: Dự án cấp điện cho các thôn bản chưa có điện tỉnh Lai Châu theo nguồn vốn hỗ trợ ngành công nghiệp do Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC) làm chủ đầu tư, đến nay đã hoàn thành.
Trước đó, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Lai Châu về danh mục đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trình Bộ Công Thương phê duyệt dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Lai Châu giai đoạn 2015 - 2020.
Theo đó mục tiêu cấp điện 8.504 hộ dân của 155 thôn thuộc 47 xã trong 7 huyện, với quy mô đầu tư 307,5 km đường dây trung thế, 116 trạm biến áp, 340,0 km đường dây hạ áp.
Tổng mức đầu tư là 415,79 tỷ đồng, sau điều chỉnh thành 494 tỷ đồng, trong đó 450 tỷ đầu tư cấp điện lưới và 44 tỷ cấp điện bằng năng lượng tái tạo. Thực hiện theo cơ chế ngân sách trung ương hỗ trợ 85% vốn đầu tư, EVN đối ứng 15% vốn đầu tư.
Ông Bùi Huy Sơn - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương). Ảnh: Cấn Dũng |
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016 - 2020, do trần nợ công tăng cao và nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế, Chính phủ, Bộ Công Thương chỉ huy động được 4.743 tỷ đồng, chiếm khoảng 18,5% nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước để cấp phát cho các UBND các tỉnh và EVN thực hiện đầu tư các dự án thuộc chương trình (trong đó tỉnh Lai Châu chưa được bố trí vốn).
Với vốn giao khoảng 340 tỷ đồng, EVN tập trung triển khai cấp điện cho khu vực xã chưa có điện trên địa bàn Nghê An, Lai Châu là 17 xã; các đảo như đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, đảo Lại Sơn, đảo Hòn Tre, đảo Hòn Nghệ, xã đảo Sơn Hải, Kiên Giang và thanh toán trả nợ một số công trình hoàn thành.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, đến nay Bộ đang tiếp tục vận động các nguồn để bổ sung cho chương trình. Trong đó, nguồn vốn ODA không hoàn lại đang ở giai đoạn đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) để triển khai chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam – EU, với đề nghị bổ sung nguồn cho chương trình khoảng 71 triệu EUR cho giải pháp cấp điện bằng năng lượng tái tạo.
Nguồn vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ: Bộ Công Thương đã trình nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ như Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng thế giới (WB) khoảng 20.856 tỷ đồng để đảm bảo nguồn lực. Nhưng do điều kiện trần nợ công trong giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản về kết quả rà soát chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chưa đề xuất sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài để cấp phát cho các dự án điện nông thôn, miền núi và hải đảo.
Hiện nay, do tốc độ tăng nợ công giảm, trần nợ công đang thấp hơn ngưỡng an toàn, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai lập đề xuất chủ trương đầu tư sử dụng vốn vay ưu đãi của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng thế giới (WB). Ngày 26/8/2019, Bộ Công Thương đã có hồ sơ gửi Bộ kế hoạch và Đầu tư thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư sử dụng vốn vay ưu đãi của WB khoảng 360 triệu USD; vốn ADB khoảng 400 triệu USD, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Căn cứ quyết định của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cho phép sử dụng các nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài để cấp phát cho các dự án thuộc chương trình, Bộ Công Thương sẽ hướng dẫn các chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện theo các hiệp định ký kết, trong đó có các tỉnh Lai Châu với phần chưa cân đối được như đề nghị còn thiếu 494 tỷ đồng”, ông Bùi Huy Sơn cho hay.
25 bản và hơn 4.000 hộ chưa có điện lưới quốc gia
Theo ông Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu - những năm qua, công tác đầu tư cấp điện cho các thôn bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được UBND tỉnh và ngành điện tập trung thực hiện bằng các nguồn vốn.
Tuy nhiên, hiện nay còn 25/958 thôn bản (chiếm 2,6%) và 4.044/106.421 hộ (chiếm 3,8%) chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Lai Châu cũng có 15/94 xã chưa đạt tiêu chí số 4 về điện nông thôn. Những bản chưa được nối lưới điện quốc gia gồm: Nậm Phìn, Chà Gá, Sín Chải C, Mò Su, Vạ Pù, Là Xi, Cờ Lò, A Mé, Pa Tết, Tia Ma Mủ, A Chè, Là Si (huyện Mường Tè); Pá Đởn, Pá Sập, Nậm Vời, Huổi Dạo, Huổi Lính, Nậm Lay, Lồng Ngài, Nậm Pồ, Nậm Cười, Nậm Tảng, Nậm Vản (huyện Nậm Nhùn); Pá Chí Tấu (huyện Than Uyên) và Khau Hỏm (Tân Uyên).
Việc đầu tư cấp điện cho các thôn bản, hộ dân chưa được sử dụng lưới quốc gia trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Lai Châu giai đoạn 2015-2020 đã được Bộ Công Thương phê duyệt ngày 28/10/2016 với quy mô xây dựng mới 211,97km đường dây trung áp; 208,503km đường dây hạ áp; 80 trạm biến áp với tổng công suất 3.691 kVA.
Dự án cấp điện cho khoảng 5.003 hộ dân tại 140 thôn, bản trên địa bàn 57 xã và 02 thị trấn thuộc 07 huyện của tỉnh Lai Châu, với tổng mức đầu tư là 389,308 tỷ đồng.
Tuy nhiên đến nay chưa được bố trí nguồn vốn để thực hiện.