Hai "ông lớn" Sovico và SGI quan tâm đất hiếm Lai Châu
Tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lai Châu mới đây, nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn được đầu tư vào lĩnh vực khai thác đất hiếm tại Lai Châu. Nổi bật trong số đó là hai ông lớn Sovico Group của tỷ phú Nguyễn Thanh Hùng và SGI của Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch sáng lập Tập đoàn Sovico (Sovico Group) và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phấn Hàng không Vietjet. Ảnh: Cấn Dũng |
Sovico Group, do ông Nguyễn Thanh Hùng là chủ tịch sáng lập, là một tập đoàn đa ngành, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Việc mong muốn đầu tư một cách bài bản và trách nhiệm thể hiện sự chú trọng của Sovico Group đến việc thực hiện dự án khai thác đất hiếm theo hướng có lợi cho cả doanh nghiệp và cộng đồng. Điều này bao gồm việc xem xét các khía cạnh kỹ thuật, tài chính, môi trường và xã hội để đảm bảo rằng dự án được triển khai một cách bền vững và mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
“Chúng tôi rất mong muốn có cơ hội tham gia đầu tư, cũng như mang đến công nghệ, kết nối đối tác quan trọng để khai thác hiệu quả nguồi tài nguyên đất hiếm”, ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch sáng lập Tập đoàn Sovico (Sovico Group) và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phấn Hàng không Vietjet (sở hữu Vietjet Air), cho hay.
Ngoài mong muốn đầu tư vào đất hiếm, Sovico cũng bày tỏ sự quan tâm đến các lĩnh vực năng lượng tái tạo, tài chính ngân hàng, hàng không và giáo dục.
Không chỉ Sovico Group, một trong những “ông lớn” hàng đầu thế giới về sản xuất nam châm đất hiếm là Tập đoàn Star Group Industries Hàn Quốc (Tập đoàn SGI) cũng đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư khai thác, chế biến đất hiếm tại Lai Châu.
Ông Kong Koon Seung - Tổng Giám đốc Tập đoàn SGI - phát biểu tại buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Bộ Công Thương và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lai Châu. Ảnh: Cấn Dũng |
Ông Kong Koon Seung - Tổng Giám đốc Tập đoàn SGI - cho biết, SGI là tập đoàn có công nghệ tiên tiến nhất trong việc sản xuất nam châm vĩnh cửu đất hiếm. Tập đoàn SGI đang tiến hành xây dựng nhà máy xản xuất nam châm vĩnh cửu tại Quảng Nam. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 17ha, với tổng số vốn khoảng 100 triệu USD. Dự kiến nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7/2024. Tuy nhiên khó khăn là nhà máy đang chưa có được đủ nguồn cung cấp nguyên liệu đất hiếm.
“Chúng tôi rất vui mừng được có mặt tại đây để chia sẻ với quý vị kế hoạch của chúng tôi về việc khai thác thí điểm và sản xuất hàng loạt đất hiếm tại Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đã sẵn sàng cung cấp nguồn tài chính ước tính khoảng 4 triệu USD để triển khai giai đoạn thí điểm của dự án”, ông Kong Koon Seung chia sẻ.
Vẫn theo Tổng Giám đốc Tập đoàn SGI, kế hoạch của SGI là tập trung vào việc thử nghiệm và thí điểm quy trình khai thác đất hiếm ở quy mô nhỏ để đảm bảo hiệu suất và bền vững của quá trình. SGI sẽ sử dụng nguồn tài chính để đầu tư vào công nghệ, thiết bị và nhân lực cần thiết để thực hiện giai đoạn thí điểm một cách hiệu quả. Khi dự án thí điểm thành công SGI dự định tiến hành giai đoạn sản xuất hàng loạt.
Lãnh đạo SGI mong muốn có cơ hội hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư và chính quyền địa phương để thực hiện kế hoạch này một cách thành công và bền vững.
Đất hiếm là một loại tài nguyên khoán sản đặc biệt và có ý nghĩa quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao, như: Điện, điện tử, quang học, laser, vật liệu siêu dẫn, chất phát quang… và nhiều lĩnh vực khác. Việc đầu tư vào khai thác, chế biến, xuất khẩu tài nguyên đất hiếm có thể đem lại cơ hội kinh doanh và ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của khu vực.
Theo ông Lê Văn Lương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu - tỉnh này có tiềm năng đất hiếm, đã ghi nhận 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm. Tổng diện tích mỏ là 2.779,4 ha với tổng trữ lượng tính được khoảng 21 triệu tấn. Trong đó, khu vực mỏ đất hiếm Đông Pao huyện Tam Đường (2 khu vực mỏ là mỏ đất hiếm Đông Pao và mỏ đất hiếm Nam Đông Pao) có tổng diện tích khoảng 1.373 ha; mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, huyện Phong Thổ; mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe, huyện Phong Thổ và mỏ đất hiếm Thèn Thầu, huyện Phong Thổ.
Hiện tại, tỉnh Lai Châu đã hoàn thành thăm dò mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe, huyện Phong Thổ. Cấp thăm dò mới trong giai đoạn 2021-2030 các mỏ: Nam Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường), Khu 3 - Nam mỏ Đông Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) và mỏ Thèn Sin (huyện Tam Đường). Cấp thăm dò trong giai đoạn 2031-2050 đối với mỏ Thèn Thầu (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ). Đồng thời tiếp tục khai thác mỏ đã cấp gồm Đông Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường).