Những mỏ đất hiếm được cấp phép tại Lai Châu đang hoạt động ra sao?
Tài liệu của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam từ năm 2005 ghi nhận rằng tỉnh Lai Châu có tiềm năng về khoáng sản đất hiếm.
Ông Lê Văn Lương - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu - cho biết, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 4 mỏ, điểm khoáng sản đất hiếm, với tổng diện tích mỏ khoảng 2.779,4 ha. Tổng trữ lượng, tài nguyên tính được khoảng 21 triệu tấn đất hiếm. Điều này cho thấy khối lượng đáng kể của đất hiếm có thể được khai thác trong tương lai.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương. Ảnh: Cấn Dũng |
Cụ thể, khu vực mỏ đất hiếm Đông Pao huyện Tam Đường gồm 2 khu vực mỏ là mỏ đất hiếm Đông Pao và mỏ đất hiếm Nam Đông Pao, có tổng diện tích khoảng 1.373ha
Mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tổng trữ lượng tài nguyên cả quặng gốc và quặng phong hóa là trên 7,5 triệu tấn đất hiếm (7.536.428 tấn). Trong đó trữ lượng, tài nguyên đất hiếm phong hóa của mỏ được phê duyệt là 1,16 tấn đất hiếm (1.167.381 tấn). Khoáng sản đi kèm là barit, trữ lượng gần 3 triệu tấn (2.964.230 tấn BaSO4).
Mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe, diện tích thăm dò là 328,7 ha, thời hạn thăm dò đến ngày 06/5/2012. Đến nay mỏ chưa được phê duyệt trữ lượng nhưng sơ bộ xác định được 58 thân quặng, trong đó tính trữ lượng, tài nguyên của 30 thân quặng. Trữ lượng, tài nguyên khoảng 172 ngìn tấn đất hiếm.
Mỏ đất hiếm Thèn Thầu, huyện Phong Thổ có diện tích 778 ha. Tổng tài nguyên khoảng 1,3 triệu tấn đất hiếm (1.329.050 tấn TR2O3), khoáng sản đi kèm gồm quặng Urani là 4,4 ngìn tấn (U3O8: 4.420tấn); quặng thori là 5,3 ngìn tấn (ThO2: 5.299 tấn).
Theo giới chuyên gia, với những dữ liệu này, tỉnh Lai Châu có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp đất hiếm. Đồng thời mang cơ hội cho phát triển kinh tế địa phương và hỗ trợ các ngành công nghiệp quan trọng như công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, công nghiệp...
Tuy nhiên, tình hình triển khai thực hiện khai thác các mỏ đất hiếm được cấp phép trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, hầu hết dự án loay hoay chưa thể đi vào hoạt động.
Theo đó, tại mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe (huyện Phong Thổ), UBND tỉnh Lai Châu đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án khai thác và chế biến mỏ cho Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải.
Dự án dự kiến khai thác mỏ trên diện tích 105,73 ha và có trữ lượng quặng phong hóa khoảng 382.486 tấn đất hiếm.
Về các bước triển khai, theo yêu cầu từ UBND tỉnh Lai Châu, từ quý I/2022 đến quý I/2023, nhà đầu tư phải thực hiện khảo sát, lập dự án và hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý liên quan đến dự án, bao gồm cấp phép khai thác mỏ, thủ tục về môi trường, đất đai, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, tái định cư và nhiều khía cạnh khác.
"Hiện Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải đang triển khai các yêu cầu nêu trên", ông Lương cho biết.
Trong khi đó, mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường), đã được UBND tỉnh Lai Châu cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 31/12/2013, được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khai thác, chế biến mỏ đất tháng 12/2012 và cấp phép khai thác cho Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu - Vimico.
Diện tích khai thác là 132,74ha (phần giữa thân F3, thân F7, F9 và F10). Thời hạn khai thác là 30 năm, sản phẩm sau chế biến: Theo giấy phép khai thác yêu cầu sản phẩm sau chế biến đạt tinh quặng đất hiếm 44,05%, tổng oxit đất hiếm 97% và các oxit đất hiếm riêng rẽ; tinh quặng barit và fluorit.
Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu - Vimico đã thực hiện đền bù giải phóng và được UBND tỉnh Lai Châu thu hồi đất, cho thuê đất đối với diện tích 19,6 ha (lần 1) tại Quyết định số 99/QĐ-UBND ngày 16/01/2023.
Tiến độ thực hiện dự án đã phê duyệt được thực hiện từ năm 2014-2016 nhưng đến nay đã hết tiến độ thực hiện Công ty Cổ phần đất hiếm Lai Châu - Vimico chưa triển khai khai thác do chưa hợp tác được với đơn vị có đủ năng lực.
Đặc biệt, công ty chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoảng sản là 115 tỷ đồng.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lai Châu đi khảo sát khu vực mỏ đất hiếm tại huyện Tam Đường ngày 23/8. Ảnh: Cấn Dũng |
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương cho biết, việc các mỏ đất hiếm tại Lai Châu chưa triển khai hiệu quả do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, dự án khai thác và chế biến đất hiếm mỏ Đông Pao được đầu tư trên cơ sở hợp tác với đối tác Nhật Bản (Công ty phát triển đất hiếm Đông Pao - Nhật Bản).
Nhưng sau khi dự án được cấp giấy phép khai thác khoáng sản thì đối tác Nhật Bản dừng hợp tác dẫn đến nhà đầu tư không có được công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sau khi đối tác Nhật Bản dừng hợp tác, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý việc dừng hợp tác triển khai Dự án khai thác và chế biến đất hiếm mỏ Đông Pao giữa Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu và Công ty phát triển đất hiếm Đông Pao - Nhật Bản theo đề nghị của Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tìm kiếm đối tác có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác và chế biến đất hiếm để triển khai Dự án khai thác và chế biến đất hiếm mỏ Đông Pao bảo đảm hiệu quả và đáp ứng yêu cầu về môi trường.
Đến thời điểm hiện nay nhà đầu tư chưa tìm được đối tác đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, vì vậy, dự án đã phải tạm dừng hoạt động.
Với dự án khai thác mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn về công nghệ chế biến sâu đất hiếm. Nhà đầu tư đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp đăng ký sáng chế. Tuy nhiên công nghệ chế biến sâu đất hiếm ở trong nước chủ yếu mới thực hiện trong phòng thí nghiệm, chưa có đơn vị áp dụng thực tế sản xuất công nghiệp nên trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư và đơn vị tư vấn mất nhiều thời gian hoàn thiện công nghệ để đảm bảo việc triển khai dự án có hiệu quả sau này.
Mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản. Tuy nhiên khu vực mỏ có các quy hoạch rừng và một số quy hoạch sử dụng đất khác chồng chéo nên trong quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư mất nhiều thời gian rà soát, đề nghị điều chỉnh quy hoạch đất khoáng sản cho dự án.
Nhiều ông lớn hàng đầu thế giới quan tâm đất hiếm
Một trong những “ông lớn” hàng đầu thế giới về sản xuất nam châm đất hiếm là Tập đoàn Star Group Industries Hàn Quốc (Tập đoàn SGI) cũng đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư khai thác, chế biến đất hiếm tại Lai Châu.
Ông Kong Koon Seung - Tổng Giám đốc Tập đoàn SGI cho biết, SGI là tập đoàn có công nghệ tiên tiến nhất trong việc sản xuất nam châm vĩnh cửu đất hiếm. Tập đoàn SGI đang tiến hành xây dựng nhà máy xản xuất nam châm vĩnh cửu tại Quảng Nam. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 17ha, với tổng số vốn khoảng 100 triệu USD. Dự kiến nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7/2024. Tuy nhiên khó khăn là nhà máy đang chưa có được đủ nguồn cung cấp nguyên liệu đất hiếm.
“Chúng tôi rất vui mừng được có mặt tại đây để chia sẻ với quý vị kế hoạch của chúng tôi về việc khai thác thí điểm và sản xuất hàng loạt đất hiếm tại Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đã sẵn sàng cung cấp nguồn tài chính ước tính khoảng 4 triệu USD để triển khai giai đoạn thí điểm của dự án”, ông Kong Koon Seung chia sẻ.
Vẫn theo Tổng Giám đốc Tập đoàn SGI, kế hoạch của SGI là tập trung vào việc thử nghiệm và thí điểm quy trình khai thác đất hiếm ở quy mô nhỏ để đảm bảo hiệu suất và bền vững của quá trình.
SGI sẽ sử dụng nguồn tài chính để đầu tư vào công nghệ, thiết bị và nhân lực cần thiết để thực hiện giai đoạn thí điểm một cách hiệu quả. Khi dự án thí điểm thành công SGI dự định tiến hành giai đoạn sản xuất hàng loạt.
Lãnh đạo SGI mong muốn có cơ hội hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư và chính quyền địa phương để thực hiện kế hoạch này một cách thành công và bền vững.
Ngoài SGI, một số Tập đoàn trong nước như Sovico cũng bày tỏ quan tâm đến dự án khai thác đất hiếm tại Lai Châu.
Vai trò của đất hiếm trong ngành công nghiệp hiện đại Đất hiếm (rare earths) là thành phần không thể thiếu trong sản xuất các loại thiết bị và linh kiện trong công nghệ thông tin, y khoa, giao thông, hóa lọc dầu, luyện kim, quân sự cùng nhiều lĩnh vực khác. Dù có mặt ở khắp mọi nơi trên bề mặt vỏ Trái Đất nhưng chúng được phân bố rải rác với trữ lượng thấp và rất khó trong việc khai thác. Vì vậy, nó trở thành nguồn tài nguyên hiếm và nhiều quốc gia mong muốn sở hữu đặc biệt là các nước lớn (Mỹ, Hàn, Nhật…). Hiện nay, nếu không có đất hiếm thì chúng ta không thể sản xuất những sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hay các vũ khí, chế tài quân sự. Có thể thấy, các thiết bị điện tử, xe điện, chất bán dẫn…đang trở nên thịnh hành, dẫn đầu xu hướng. Và để sản xuất hay chế tạo các sản phẩm này thì không thể thiếu nguồn nguyên liệu “đất hiếm”. Cụ thể, tài nguyên này được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp như: chế tạo các nam châm vĩnh cửu cho các máy phát điện, làm chất xúc tác ở trong công nghệ lọc hóa dầu và xử lý môi trường hiệu quả, làm vật liệu siêu dẫn, các ion của đất hiếm còn được sử dụng phổ biến như các vật liệu phát quang trong các ứng dụng quang điện, chế tạo cảm biến cho hệ thống tên lửa, sử dụng trong ngành công nghiệp kính, giúp máy tính và điện thoại thông minh nhẹ hơn, nhỏ gọn và hiệu quả hơn rất nhiều… Ở ngành nông nghiệp, đất hiếm được bổ sung thêm vào phân bón cho cây trồng, giúp tăng năng suất và chống chịu sâu bệnh. Ngoài ra, chúng còn giúp diệt mối mọt trong các cây mục để giúp bảo tồn các di tích lịch sử, là một chất thử nghiệm để bổ sung vào thức ăn trong chăn nuôi. Nguồn nguyên liệu này còn được ứng dụng trong y tế. Chúng có thể dùng để sản xuất các loại thiết bị phẫu thuật, thuốc trị ung thư, máy tạo nhịp tim, thuốc viêm khớp. Để giúp giảm phát thải của các động cơ máy bay, hệ thống khí thải xe hơi thì nguyên liệu “đất hiếm” đã được ưu tiên sử dụng. Chưa kể, đất hiếm còn được sử dụng nhiều trong các sản phẩm quốc phòng. Người ta dùng kim loại đất hiếm để chế tạo chế tạo thiết bị truyền động cho cánh tên lửa, mô tơ ổ đĩa lắp đặt trên máy bay, xe tăng, hệ thống tên lửa và trung tâm điều khiển, thiết bị laser phát hiện mìn, radar và thiết bị định vị thủy âm trên tàu ngầm, tàu mặt nước… |