Áp lực lớn với ngân hàng từ nợ xấu và trích lập dự phòng
Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng bước siết tín dụng với lĩnh vực rủi ro cao, trong đó có bất động sản. Báo cáo tình hình hoạt động quý III/2022 của Bộ Xây dựng, tín dụng đối với kinh doanh bất động sản tính đến cuối tháng 8 giảm hơn 7.340 tỷ đồng so với tháng 6, còn 777.235 tỷ đồng.
Còn về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu phát hành khoảng 323.000 tỷ đồng, trong đó đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản 93.000 tỷ đồng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, huy động vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi vốn cho bất động sản là dài hạn, nên mở rộng tín dụng lĩnh vực này sẽ tiềm ẩn rủi ro.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2020-2022 là trái phiếu bất động sản. Trong đó, công ty chưa niêm yết chiếm trên 80%. Trong giai đoạn này, trái phiếu doanh nghiệp đa số do các ngân hàng thương mại phát hành và mua lại với lượng lớn từ các công ty bất động sản - chiếm hơn 40% lượng trái phiếu phát hành và giao dịch trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo TS. Hiển, nếu nhìn vào số liệu trên của NHNN, thì thị trường bất động sản cũng không thiếu vốn. Vướng mắc ở đây phải chăng do các doanh nghiệp bất động sản không bán được hàng, không có dòng tiền quay vòng vốn. Vì thế, giải pháp cho thị trường bất động sản trong giai đoạn khó khăn hiện nay là phải tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy, sự suy thoái của bất động sản, nhìn ở góc độ tích cực, cũng là một sự thanh lọc để thị trường lành mạnh, vốn chảy vào đúng lĩnh vực cần thiết, thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đưa bất động sản về đúng giá trị thật.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SSI giữ quan điểm, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với vấn đề chất lượng tài sản trong thời gian tới, nợ xấu và trích lập dự phòng sẽ là những áp lực khá lớn. Trong thời gian gần đây, các công ty bất động sản gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tái cơ cấu nợ cho hoạt động kinh doanh của mình, dẫn đến gia tăng rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ. Một số doanh nghiệp đã yêu cầu hoãn thanh toán gốc và thanh toán lãi. Tổng số trái phiếu sau khi loại trừ nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành đang lưu hành khoảng 945.000 tỷ đồng, trong đó 27% sẽ đáo hạn vào năm 2023 - 2024 và 12% sẽ đáo hạn vào năm 2025. Gần một phần ba số trái phiếu này nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Tuy nhiên, con số này vẫn không bao gồm những trái phiếu đã được phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân, nhưng có bảo lãnh thanh toán, cũng như những trái phiếu hiện không có trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Vì thế, ngân hàng vẫn sẽ chịu rủi ro tín dụng liên quan đối với những trái phiếu theo hợp đồng repo.