4 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu 6,35 tỉ USD
Việt Nam xuất siêu 6 tỷ USD sang thị trường CPTPP Năm 2022, Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD |
Theo báo tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 4 và bốn tháng đầu năm 2023 của Bộ Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp trong bốn tháng đầu năm giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 210,79 tỉ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại bốn tháng đầu năm ước tính xuất siêu 6,35 tỉ USD.
Cụ thể, về xuất khẩu hàng hóa, bốn tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỉ USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD (giảm hai mặt hàng so với cùng kỳ năm trước), chiếm 83,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; có năm mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỉ USD, chiếm 57,4%.
Về thị trường, xuất khẩu của Việt Nam tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều giảm. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam kim ngạch ước đạt 28,45 tỉ USD, giảm 21% so với cùng kỳ.
Tiếp đến là Trung Quốc đạt 16,4 tỉ USD, giảm 7,9%; EU đạt 13,66 tỉ USD, giảm 14,1%...
Người tiêu dùng chọn mua hàng hóa đang được khuyến mãi ở siêu thị. ẢNH: TÚ UYÊN |
Về nhập khẩu, bốn tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 102,22 tỉ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Chiếm 86% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam, nhóm hàng cần nhập là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước thì kim ngạch ước đạt 88 tỉ USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân là các doanh nghiệp gặp khó khăn về đơn hàng xuất khẩu nên nhu cầu nhập nguyên phụ liệu để sản xuất giảm.
Đối với nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu, trong bốn tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước đạt 6,6 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 51,7%, phế liệu sắt thép, tăng 27,7%.
Theo Bộ Công thương, nguyên nhân của sự suy yếu sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam giảm chi tiêu khiến lượng đơn đặt hàng giảm.
Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu thị trường nội địa. Đặc biệt như dệt may, da giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% còn lại là xuất khẩu.
Bên cạnh đó, so với cùng kỳ giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản như cà phê, nhân điều, hạt tiêu…giảm; giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, phân bón, sắt thép cũng giảm đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung.
Hơn nữa việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Song song đó, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, DN khó khăn trong tiếp cận tín dụng.