Xây dựng, rèn luyện cán bộ của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp theo tư tưởng Hồ Chí Minh Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng trong giai đoạn mới |
Quán triệt, vận dụng sáng tạo quan điểm của V.I.Lênin về vấn đề cán bộ trong điều kiện Đảng cầm quyền: “Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh. Hiện nay đó là then chốt; nếu không thế thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn” (1), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém” (2). Theo đó, xây dựng, rèn luyện cán bộ của đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh vừa là vấn đề cấp bách trước mắt, vừa là vấn đề chiến lược lâu dài, nhất là thời điểm quan trọng mà toàn Đảng đang chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIX của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ở Thủ đô Hà Nội. (Ảnh tư liệu) |
Chỉ dẫn của Bác Hồ về xây dựng, rèn luyện cán bộ của Đảng
Cán bộ là gì? Vì sao phải xây dựng, rèn luyện cán bộ của Đảng? Từ rất sớm, chưa đầy 2 năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 20/2/1947 trong Bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự đặt câu hỏi và trả lời rất rõ ràng: “Cán bộ là gì? Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được” (3).
Theo Người, mỗi đảng viên của Đảng đều có thể được xem là cán bộ và hay dùng từ “cán bộ, đảng viên” để chỉ đội ngũ cán bộ nói chung, đồng thời coi đây là lực lượng quyết định sự thành bại của mọi công việc. Nhất quán với quan điểm trên, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, một lần nữa Người khẳng định vai trò của cán bộ và chỉ ra tính tất yếu phải xây dựng, rèn luyện cán bộ của Đảng: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” (4).
Xây dựng, rèn luyện cán bộ của Đảng như thế nào?
Thứ nhất, phải lựa chọn cán bộ đúng. Lựa chọn cán bộ là điều kiện tiên quyết của nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, gắn trực tiếp đến sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Nếu bố trí, sử dụng cán bộ giữ vai trò quyết định sự thành bại của quá trình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước thì lựa chọn cán bộ là tiền đề trực tiếp góp phần vào sự thành, bại đó. Vì vậy, Người khẳng định: “Chọn người và thay người cũng là một vấn đề quan trọng trong việc lãnh đạo” (5). Theo đó, lựa chọn cán bộ phải khách quan, toàn diện, lịch sử và phát triển; trong đó, phải đủ cả đức và tài, phải căn cứ vào năng lực, sự cống hiến của người cán bộ đó trên theo nguyên tắc tối cao đó là đề cao tính Đảng của cán bộ: “bất kỳ bao giờ, bất kỳ việc gì, đều phải tính đến lợi ích chung của Đảng, phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, việc của cá nhân và lợi ích của cá nhân phải để lại sau. Đó là nguyên tắc tối cao của Đảng. Mỗi một đảng viên phải ghi chắc điều đó. Chúng ta gọi nó là Đảng tính” (6).
Thứ hai, phải huấn luyện cán bộ cho khéo. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” và là một trong những việc cần kíp của cách mạng và thường xuyên. Người cho rằng: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Những việc rất dễ dàng còn phải học. Huống chi công việc cách mạng, công việc kháng chiến, không có huấn luyện, thì làm sao xuôi?” (7). Để công tác huấn luyện cán bộ đạt hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải căn cứ và đối tượng mà sắp xếp chương trình, nội dung, nhưng cần phải tập trung vào những nội dung chính, đó là: “Huấn luyện chính trị, huấn luyện văn hoá, huấn luyện lý luận”; đồng thời, “Huấn luyện cho cán bộ phải có kế hoạch, phải có phương hướng, thưởng, phạt cho công bình” (8).
Thứ ba, phải thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ. Đây là một khâu quan trọng trong công tác cán bộ, do đó, phải tuân thủ đầy đủ các bước sau: Một là, phải hiểu biết cán bộ mọi mặt, cả đời sống vật chất lẫn tinh thần, nhất là phải biết rõ tâm tư, tình cảm, ưu điểm và khuyết điểm của cán bộ; đặc biệt phải biết khơi dậy ở cán bộ tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Hai là, phải khéo dùng cán bộ, bởi theo Người: “Phải khéo dùng cán bộ - Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ... Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công” (9). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để có thể dùng cán bộ đúng, người làm công tác cán bộ phải nắm vững những vấn đề cơ bản sau: Phải biết rõ cán bộ; phải cất nhắc cán bộ cho đúng; phải phân phối cán bộ và giúp cán bộ cho đúng; phải giữ gìn cán bộ và phải phê bình cán bộ; sáu vấn đề đó phải tiến hành đồng bộ với nhau.
Thứ tư, cách đối với cán bộ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có rất nhiều cách đối với cán bộ, tùy theo cán bộ phụ trách lĩnh vực nào, trình độ cán bộ, công tác trong hoàn cảnh nào, nam hay nữ, v.v., mà có cách đối với cán bộ đó cho phù hợp: “Cách đối với cán bộ là một điều trọng yếu trong sự tổ chức công việc. Cách đối với cán bộ có khéo, có đúng thì mới thực hiện được nguyên tắc: “Vấn đề cán bộ quyết định mọi việc” (10). Để có cách đối với cán bộ cho đúng, Người chỉ rõ, người làm công tác cán bộ phải gần gũi cán bộ, phải nhìn thấy năng lực thật sự của cán bộ, “không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gụi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước” (11). Đồng thời, Người chỉ ra năm cách đối với cán bộ để họ phát triển toàn diện, yên tâm công tác, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân: “Chỉ đạo - Nâng cao - Kiểm tra - Cải tạo - Giúp đỡ” (12).
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, rèn luyện cán bộ của Đảng hiện nay
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, rèn luyện cán bộ của Đảng chẳng những có ý nghĩa lịch sử khi xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong thời kỳ đấu tranh cách mạng để giành và giữ chính quyền, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước đây mà còn là cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng “vừa hồng, vừa chuyên” - những người tiên phong, gương mẫu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, rèn luyện cán bộ của Đảng hiện nay cần thấu triệt và thực hiện tốt một số vấn đề sau:
Thứ nhất, một mặt, phải khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, rèn luyện cán bộ của Đảng đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, vẫn là làm kim chỉ nam cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay; mặt khác, vừa tập trung nghiên cứu có hệ thống, toàn diện và sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về tính tất yếu, nội dung và phương thức xây dựng, rèn luyện cán bộ của Đảng, nhất là hệ thống tiêu chuẩn của cán bộ cũng như toàn bộ quy trình để xây dựng đội ngũ cán bộ từ xây dựng cách thức đánh giá, tuyển chọn cho đến sử dụng…; vừa tiếp bổ sung, phát triển và vận dụng tư tưởng đó của Người cho phù hợp với tình hình mới. Trong mọi hoàn cảnh, phải kiên quyết bảo vệ tính khoa học, cách mạng và giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về về xây dựng, rèn luyện cán bộ của Đảng nói riêng.
Thứ hai, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, rèn luyện cán bộ của Đảng hiện nay không thể không quán triệt và thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách trong các văn kiện của Đảng về công tác cán bộ trong thời kỳ mới, nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới; tiếp tục quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, của Bộ Chính trị, về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo đúng tinh thần Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: “Những nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW còn phù hợp; những nội dung cần kế thừa nhưng phải có điều chỉnh, bổ sung; những nội dung cụ thể hóa các nghị quyết, quy chế, quy định của Trung ương khóa XIII; những nội dung không kế thừa Chỉ thị số 35-CT/TW, cần được lược bỏ cho phù hợp với thực tiễn” (13).
Thứ ba, các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp không ngừng phấn đấu rèn luyện học tập theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, cụ thể hóa ngay trong toàn bộ công tác tư tưởng, huấn luyện, xây dựng, đào tạo cán bộ của Đảng. Thường xuyên coi việc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, rèn luyện cán bộ của Đảng cũng là nhằm thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ ở địa phương, cơ quan và đơn vị của mình.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn tổ chức bộ máy làm công tác cán bộ; trong đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng phải tiến hành đồng thời với việc đổi mới và củng cố tổ chức Đảng, bộ máy Nhà nước, đoàn thể nhân dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh, sự nghiệp, công tác; đổi mới cơ chế chính sách, phương thức, lề lối làm việc. Trong đó chú trọng đổi mới, chỉnh đốn các tổ chức bộ máy làm công tác cán bộ gắn với tăng cường rèn luyện cán bộ qua thực tiễn.
Thứ năm, tăng cường phòng, chống tệ “tham nhũng trong công tác bộ”; bằng mọi giá không để những kẻ cơ hội chính trị chui lọt và các thế lực thù địch cài cắm lực lượng phản động vào hệ thống chính trị các cấp, nhất là cơ quan trọng yếu, lực lượng cơ mật và đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp chiến lược. Trước mắt, toàn Đảng cần quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự ngày 13/3/2024 (14)./.
Chú thích: (1) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 42, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.449 (2) (3) (4) (5) (7) (8) (9) (10) (11) (12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.313; tr.68; tr.309; tr.326; tr.288; tr.264; tr.314; tr.324; tr.315-316; tr.315 (6) Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, tr.290 (13) Toàn văn phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Báo Nhân Dân điện tử, truy cập ngày 18/8/2024. (14) Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự, Báo Điện tử Chính phủ, truy cập ngày 13/3/2024. |