Vui buồn cổ phiếu thị giá cao
Cổ phiếu đầu tư công hút dòng tiền Cổ phiếu bất động sản tăng mạnh sau khi có Nghị định 08 của Chính phủ |
Dù thị giá đắt đỏ, song vấn đề của nhóm cổ phiếu này là dòng tiền thường xuyên ảm đạm.
“Số phận” cổ phiếu giá cao
Ngày 31/1/2007 là cột mốc đặc biệt với cổ phiếu FPT. “Cơn sóng thần” chứng khoán giai đoạn 2006 - 2007 đẩy thị giá hàng loạt cổ phiếu tăng nóng. FPT phiên đó đã chạm mốc 645.000 đồng/cổ phiếu. Hơn một năm rưỡi sau, gương mặt sáng giá của ngành công nghệ trên sàn chứng khoán bước sang phía bên kia của đỉnh sóng. Phải tới năm 2018, vốn hóa thị trường của FPT mới trở lại mức kỷ lục cũ.
Giá cổ phiếu FPT các năm sau này không còn đứng trong “câu lạc bộ” cổ phiếu thị giá 3 chữ số do đã điều chỉnh kỹ thuật nhiều lần sau các đợt chia tách cổ phiếu, chủ yếu thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, chia thưởng. Tuy vậy, vốn hoá thị trường của cổ phiếu FPT hiện vẫn gấp 3,2 lần năm 2007, đạt trên 87.760 tỷ đồng.
FPT là câu chuyện thành công hiếm hoi của nhóm các cổ phiếu từng vươn lên mức giá trên 100.000 đồng. Nhìn lại nhiều gương mặt từng gia nhập “câu lạc bộ” này nhờ cơn sóng lớn năm 2007 như cổ phiếu BMC (Khoáng sản Bình Định), SJS (Sudico) hay BVS (Chứng khoán BVSC), giá cổ phiếu hiện tại đã giảm một nửa, như SJS; thậm chí giảm 80%, như trường hợp BMC, BVS.
Tương tự, giai đoạn 2020 - 2021, chứng khoán bùng nổ và thu hút dòng tiền lớn, có tới 36 cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng. Nhưng, nhiều cổ phiếu đã sớm chia tay “câu lạc bộ” sau giai đoạn thị trường đi xuống một năm qua. Đến ngày 28/2/2023, trên cả 3 sàn (HNX, HoSE và UPCoM), “câu lạc bộ” này chỉ còn tổng cộng 21 mã chứng khoán.
Bên cạnh những cổ phiếu “rớt đài”, nhóm cũng có thêm gương mặt mới. Tân binh VNZ (Công ty cổ phần VNG) xác lập kỷ lục thị giá khi có thời điểm giao dịch ở mức 1.562.000 đồng/cổ phiếu ngay ở giai đoạn thị trường giằng co từ vài tháng gần đây. Giá cổ phiếu VNZ có điều chỉnh sau đó, nhưng vẫn giao dịch ở mức 900.000 đồng/cổ phiếu, gấp 3,75 lần giá chào sàn và duy trì ngôi vương thị giá trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Ở thời kỳ giá cổ phiếu FPT tăng nóng, hệ số so sánh giữa giá và thu nhập ròng mỗi cổ phiếu (P/E) từng vọt lên gần 100 lần. Tuy nhiên, với trường hợp của VNZ, thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu âm tới 29.870 đồng. VNG lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 858 tỷ đồng, trong khi quy mô vốn điều lệ chỉ là 358 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu đang lưu hành vỏn vẹn 28,74 triệu đơn vị.
Dù vậy, nền tảng tích lũy các năm trước giúp lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VNG đến ngày 31/12/2022 vẫn đạt trên 5.300 tỷ đồng. Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu khoảng 180.000 đồng. So sánh với thị giá hiện tại, P/B xấp xỉ 5 lần - vẫn là mức định giá cao so với mặt bằng chung.
EPS cao, nhưng thanh khoản cạn
Dù được tiếng “đắt đỏ”, VNG lại không được “miếng” trong thương vụ bán cổ phiếu quỹ tới đây. Cổ đông của VNG đã phê duyệt phương án bán gần 7,11 triệu cổ phiếu cho cổ đông lớn BigV với giá chưa đến 178.000 đồng/cổ phiếu, trước thời điểm cổ phiếu VNZ chào sàn chưa đến một tháng. Mức giá này chỉ bằng chưa đến 20% thị giá hiện tại, thấp hơn giá khởi điểm ngày đầu chào sàn, thậm chí, không đủ bù phần vốn đã sử dụng để mua cổ phiếu quỹ trước đây.
Thực tế, lượng cung cổ phiếu các phiên giao dịch của VNZ đều nhỏ giọt, cao nhất cũng chỉ có 11.000 cổ phiếu được sang tay trong phiên. Bên bán tự tin về mức giá cao hơn của cổ phiếu này trong tương lai và cũng chỉ “nhả hàng” mạnh khi giá cổ phiếu quanh mốc 1,3 triệu đồng. Nếu bán trên sàn, cổ phiếu VNZ vừa giải được bài toán “cạn cung”, vừa có thể huy động được lượng vốn lớn cho công ty.
Một số cổ phiếu thu hút được dòng tiền và có giao dịch thứ cấp sôi động. Tuy nhiên, những trường hợp như L14, CEO, THD nổi lên trong cơn sóng năm 2021 lại cũng là những điển hình của dòng tiền nóng, nhanh đến và nhanh đi.
Ở chiều ngược, khá nhiều cổ phiếu thị giá cao gặp vấn đề do thanh khoản ảm đạm, thậm chí thường xuyên ở tình trạng “trắng” giao dịch như trường hợp của GVT (Giấy Việt Trì), IDP (Sữa Quốc tế) hay CMF (Cholimex Food)...
Cổ phiếu GVT từng được giao dịch khá tốt ở giai đoạn đầu năm 2021, nhưng sau 2 năm, giao dịch cạn dần, không khớp lệnh bất kỳ cổ phiếu nào trong hơn một tháng qua. Còn với Cholimex Food, doanh nghiệp này đều đặn chi trả cổ tức 50% trong 4 năm gần đây. Các nhà đầu tư khi nắm trong tay cổ phiếu thị giá cao nhờ kết quả kinh doanh cao và ổn định đã lựa chọn giữ chặt con “gà đẻ trứng vàng” để nhận về cổ tức đều đặn hàng năm.
Tình trạng thanh khoản cạn kiệt ở nhóm cổ phiếu có thị giá cao cũng do cơ cấu cổ đông cô đặc. Nhiều tổ chức đã sớm gom cổ phiếu các công ty này. Do đó, tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi chỉ còn lượng rất ít.
Chia tách cổ phiếu như cách FPT từng làm là phương án giúp tăng số lượng cổ phiếu trong tay các nhà đầu tư nhỏ lẻ, điều chỉnh thị giá xuống mức dễ dàng mua được ngay cả với lượng vốn không quá lớn. Tuy nhiên, rủi ro khi số lượng cổ phiếu tăng lên là áp lực pha loãng khi ít cơ hội để có được tăng trưởng lợi nhuận tương xứng. Lợi nhuận tăng trưởng chậm hơn đà tăng của số lượng cổ phiếu đang lưu hành sẽ kéo EPS giảm, rời xa những con số “đáng nể” trước đây.