Triển vọng xuất khẩu hàng dệt may
Thời điểm hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp đều có các đơn hàng đến hết quý II, đang tiếp tục đàm phán, ký hợp đồng cho quý III và những tháng cuối năm. Ngoài đơn hàng truyền thống, doanh nghiệp cũng đang thực hiện một số đơn hàng mới có giá trị gia tăng cao, thời gian giao hàng ngắn, phù hợp và linh động với xu thế của thị trường.
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Tổng công ty May Đức Giang |
Nỗ lực vượt khó
Năm 2021 được coi là năm chồng chất khó khăn đối với các doanh nghiệp dệt may, không chỉ ở khu vực phía nam đối phó dịch Covid-19 căng thẳng mà tình trạng đứt gãy nguồn cung, thiếu hụt lao động, chi phí thực hiện “3 tại chỗ”, tình trạng dịch chuyển đơn hàng,... ở các khu vực khác cũng đã “bào mòn” sức sống của doanh nghiệp. Giám đốc chi nhánh Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Nhà máy sợi Phú Cường (Đồng Nai) Lê Hoàng Anh chia sẻ: Hơn 3 tháng dịch bệnh “leo thang” khiến chi nhánh phải thực hiện phương thức sản xuất “3 tại chỗ” với các khoản chi phí “khổng lồ” nhưng công suất nhà máy chỉ chạy được 40% nhằm giữ chân đối tác. Bên cạnh việc phải đối diện với vô vàn khó khăn từ việc lo chi phí ăn ở cho người lao động, xét nghiệm, phí chậm giao hàng,... lên tới hàng tỷ đồng, đơn vị còn phải đối diện tình trạng những ngày “mù mịt”, bởi chỉ cần một ca dương tính với Covid-19 sẽ khiến toàn bộ công sức của cả đơn vị đổ xuống sông xuống bể khi nhà máy bị phong tỏa, dừng hoạt động. Nhưng rất may, thời điểm đó đã qua, khi kết thúc năm, sợi Phú Cường đạt doanh thu hơn 391 tỷ đồng, lợi nhuận 50 tỷ đồng. “Dự báo, tình hình thị trường sợi năm nay không được tốt như năm trước, đơn vị cũng chuẩn bị sẵn sàng những kịch bản nhằm thích ứng diễn biến của thị trường. Đồng thời, tiếp tục tìm các biện pháp nhằm tăng năng suất, thu nhập để người lao động an tâm, gắn bó lâu dài với đơn vị”, Giám đốc Lê Hoàng Anh nhấn mạnh.
Tương tự, Tổng công ty cổ phần Phong Phú (thành phố Hồ Chí Minh) cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, đặc biệt là trong quý III/2021 khi tổng đơn hàng bị giảm tới 42%. Tính chung, doanh thu cả năm của Phong Phú chỉ đạt 1.954 tỷ đồng (bằng 79,3% so năm 2020), nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 310 tỷ đồng (bằng 108,5%). Điều đó đã thể hiện sự linh hoạt trong việc triển khai các giải pháp, quyết sách nhằm vượt qua khó khăn của doanh nghiệp. Theo lãnh đạo Tổng công ty, mục tiêu trong năm nay của đơn vị là lấy công tác thị trường làm trọng tâm phát triển; trong đó, tiếp tục phát triển xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; tăng cường xuất khẩu vào các thị trường Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh như Mỹ, Australia,... cũng như đặt mục tiêu xâm nhập vào chuỗi cung ứng thế giới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đặt ra mục tiêu nhanh chóng đào tạo, tuyển dụng để bổ sung đội ngũ cán bộ kinh doanh, xuất nhập khẩu có đủ tâm, đủ tầm, có kỹ năng nghiệp vụ giỏi, am hiểu quy trình công nghệ sản xuất, linh hoạt, có khả năng xử lý công việc, đàm phán với khách hàng để từng bước mở rộng thị trường, kể cả nội địa và xuất khẩu.
Hướng tới sản phẩm có giá trị cao
Tổng Giám đốc Tổng công ty Dệt may miền nam (VSC) Nguyễn Hùng Quý cho biết, cùng chung khó khăn với các doanh nghiệp phía nam bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng với lợi thế của VSC khi có 3 nhà máy tại Bạc Liêu, Cần Thơ và Kiên Giang, đã giúp đơn vị nhìn thấy “cơ hội trong rủi ro” trước làn sóng di dân về các địa phương miền tây tránh dịch. Nắm bắt tình hình trên, ngay những tháng cuối năm vừa qua, đơn vị đã xây dựng chính sách tuyển dụng lao động, ưu tiên lao động có tay nghề, tiếp tục nhận hồ sơ tuyển dụng lao động không có tay nghề để đào tạo, từng bước xây dựng lộ trình đạt số lao động mục tiêu nhằm mở rộng cơ sở, đẩy mạnh sản xuất. Mặt khác, VSC cũng xác định điều kiện để giữ chân lao động thiết thực nhất chính là tăng thu nhập và môi trường làm việc an toàn. Hiện VSC đã và đang xây dựng hệ thống môi trường làm việc an toàn, đồng thời cố gắng tạo nguồn thu nhập tốt, từng bước xây dựng mục tiêu đạt năng suất 600 USD/người để tăng thu nhập cho người lao động.
Tổng Giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Phạm Thị Phương Hoa cho biết, năm qua đơn vị phải đối diện với rất nhiều khó khăn trước tác động của dịch Covid-19 khi lượng đơn hàng giảm cả về giá trị và lợi nhuận, thậm chí có thời điểm sản xuất chỉ hòa vốn. Vượt qua khó khăn, doanh thu của công ty mẹ trong năm qua đạt 630 tỷ đồng, tăng 10%; lợi nhuận đạt 76 tỷ đồng, tăng 5% so năm 2020; thu nhập bình quân đầu người đạt 10,5 triệu đồng/tháng. Năm nay, Hugaco phấn đấu giữ nguyên mức doanh thu và lợi nhuận của năm trước, đồng thời nỗ lực tăng trưởng thêm 5% nhờ vào việc định hướng sản xuất các đơn hàng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm) cho thị trường Mỹ và Australia, đồng thời tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mang lại. Để chuẩn bị cho các đơn hàng FOB, Hugaco đã chuẩn bị sẵn nguồn lực cũng như điều chỉnh lại dây chuyền sản xuất và đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động nhằm sẵn sàng đáp ứng những đơn hàng có giá trị cao, thời gian giao hàng nhanh theo yêu cầu của đối tác.
Đánh giá triển vọng ngành dệt may trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu cho biết, với tín hiệu tích cực của thị trường cùng với lượng đơn hàng dồi dào trong những tháng đầu năm là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Riêng đối với Vinatex, tập đoàn đã xây dựng chiến lược, đưa ra các giải pháp về thị trường giúp đơn vị thành viên đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may trong thời gian tới. Trong đó, tập trung thực hiện chuyển đổi số, coi đây là chìa khóa để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược của tập đoàn giai đoạn 2022-2025, trở thành điểm đến cung cấp trọn gói nhu cầu của khách hàng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác, hình thành mô hình cụm doanh nghiệp sợi, dệt nhuộm, may (trước tiên tập trung vào sản phẩm dệt kim) với một số doanh nghiệp hiện có, chia sẻ năng lực sản xuất, tạo chuỗi liên kết hoàn chỉnh. Ngành dệt may xác định thị trường xuất khẩu là chủ đạo với tỷ lệ xuất khẩu chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên, muốn thực hiện được cần phải có các biện pháp tăng cường liên kết chuỗi sản xuất toàn cầu, nỗ lực phân phối trực tiếp đến các nhà sản xuất dệt nhuộm để 50% lượng sợi xuất khẩu tham gia chuỗi. Ngành đã xây dựng hệ thống quản trị sản xuất đối với lĩnh vực may, ứng dụng công nghệ số hóa và tự động hóa, đáp ứng được điều kiện chuyển đổi nhanh, thực hiện các đơn hàng kích cỡ vừa và nhỏ, thời gian giao hàng ngắn. Sản phẩm may được định vị trong nhóm sản phẩm cơ bản nhưng có chất lượng khá trở lên, tiếp tục duy trì ở nhóm có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, tăng cường năng lực thiết kế, marketing,… chủ động chuyển dịch sang phương thức sản xuất OEM (sản xuất sản phẩm gốc), ODM (thiết kế và sản xuất theo đơn đặt hàng) mang lại giá trị gia tăng cao hơn,...
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Trương Văn Cẩm, mặc dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhưng tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn như Mỹ, EU,... với cầu tiêu dùng tăng trở lại là điều kiện lý tưởng để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Nếu dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 42 - 43,5 tỷ USD trong năm mà ngành đề ra sẽ sớm thành hiện thực. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực tự thân, các doanh nghiệp ngành dệt may bày tỏ hy vọng Nhà nước có cơ chế hỗ trợ đặc thù, từ chính sách cụ thể khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ đến quy hoạch tổng thể, phân bổ thu hút đầu tư, cũng như hình thành các quỹ khuyến khích xuất khẩu, hỗ trợ tài chính,... để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.