Trải nghiệm văn hóa dân gian qua “Trung thu: Sức sống đồ chơi dân gian”
Chương trình năm nay thu hút sự tham gia của các nghệ nhân dân gian đã nhiều năm gắn bó, bảo tồn đồ chơi truyền thống cùng bảo tàng. Có thể kể đến nghệ nhân làm đèn ông sao, nghệ nhân làm đèn con thỏ, làm mặt nạ giấy bồi, diều rô...
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn làm đèn kéo quân cho các em nhỏ |
Theo Ban tổ chức, hơn 20 năm qua, các nghệ nhân đã cùng bảo tàng kiên trì, duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồ chơi dân gian. Bảo tàng luôn tìm tòi, thuyết phục, kết nối, tạo không gian để nghệ nhân có cơ hội trình diễn, giới thiệu đồ chơi truyền thống đến du khách trong và ngoài nước. Điều này đã góp phần cho sự phát triển các món đồ chơi có nguy cơ thất truyền như ông tiến sỹ giấy, ông đánh gậy, đèn kéo quân, tàu thủy sắt tây, trống bỏi…
Có thế kể đến như nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền sinh năm 1939 ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Từ nhỏ ông Quyền đã được chơi và làm đồ chơi dân gian theo sự hướng dẫn của người lớn.
Năm 2007, ông được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời tham gia trình diễn và hướng dẫn làm đèn kéo quân. Sau khi tham gia chương trình ở bảo tàng ông thấy được ý nghĩa nhân văn, tính giáo dục trong việc giới thiệu, hướng dẫn trẻ em làm đồ chơi dân gian nên càng say mê hơn. Lý do ông tâm huyết với đồ chơi dân gian bởi: “Đây là những đồ chơi do các cụ truyền lại, nó gắn bó với tôi từ thời ấu thơ và ăn sâu trong tiềm thức của tôi”, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.
Hay nghệ nhân Phạm Nguyệt Ánh, sinh năm 1949, ở Kiến Thiết, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Bà là người làm đồ chơi bằng bột đến nay đã gần 50 năm.
Được biết khi còn nhỏ bà Ánh thường giúp cha mẹ đi nhận đồ chơi bằng bột để bán tại cửa hàng của nhà tại 78 phố Đồng Xuân. Sau này do một số nguyên nhân, loại đồ chơi bằng bột không còn ai làm nữa. Từ năm 1973 bà Ánh đã mày mò, tìm hiểu và cố gắng khôi phục loại đồ chơi này. Nhờ sự khéo léo và đam mê, bà đã dần khôi phục được một số đồ chơi truyền thống.
Vào những năm 2000, đồ chơi bằng bột do bà làm ra bán được rất ít bởi không thể cạnh tranh với đồ chơi ngoại nhập. Mặc dù vậy, bà vẫn cố gắng duy trì nghề, hàng năm vào dịp tết Trung thu bà vẫn mang sản phẩm của mình gửi bán tại Hàng Mã, chợ Đồng Xuân.
Luôn đau đáu với nghề, bà Ánh rất vui khi được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời tham gia trình diễn và hướng dẫn làm đồ chơi bằng bột cho trẻ em vào dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên đán.
Bà chia sẻ, chính sự quan tâm, hứng thú của các cháu nhỏ đã tiếp thêm động lực để bà sáng tạo thêm nhiều loại đồ chơi bằng bột chứa đựng những giá trị văn hóa của dân tộc, đặc biệt để trẻ em có thể trải nghiệm làm ra những đồ chơi đó.
Những đóng góp của bà Ánh đã được các cơ quan, tổ chức văn hóa, giáo dục ghi nhận. Năm 2010 bà đã được mời sang Hàn Quốc để trình diễn và giới thiệu về đồ chơi bột.
Ngoài được khám phá những trò chơi dân gian, đến với chương trình “Trung thu: Sức sống đồ chơi dân gian” du khách còn có cơ hội thưởng thức những màn múa lân sư sôi động và trải nghiệm thử tài múa lân của các em nhỏ. Những bạn thích khám phá ẩm thực được làm thử bánh dẻo, giã cốm theo kỹ thuật dân gian; có cơ hội chơi một số trò chơi truyền thống như nhảy dây, kéo co, đi cà kheo, đi goòng, ô ăn quan...
Bên cạnh đó, công chúng còn có cơ hội khám phá Tết Trung thu của Việt Nam và Hàn Quốc thông qua bàn thờ và mâm cỗ Trung Thu. Tại góc trưng bày này du khách được tìm hiểu những nét tương đồng và khác biệt trong Tết Trung thu của Việt Nam và Hàn Quốc...