Thị trường tài chính hiện đại: Đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế
![]() |
Thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn tới cần chú trọng đến độ sâu hơn là theo chiều rộng như trước đây |
Chưa cân bằng trong cung ứng vốn
Thị trường vốn thời gian qua đang dần gia tăng mức đóng góp vào cung ứng vốn cho nền kinh tế. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đã tăng từ mức 32% GDP năm 2015 lên 75% GDP vào năm 2018.
Theo TS. Trương Văn Phước - Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia, thông qua thị trường vốn, công tác cổ phần hóa (CPH), thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã thu về hàng trăm nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, điển hình như tại Sabeco, Vinamilk…Đồng thời, hiệu quả sản xuất kinh doanh (SXKD), chất lượng quản trị doanh nghiệp (DN) của các DNNN sau CPH được cải thiện đáng kể. Đối với các DN tư nhân, thị trường vốn đã tạo nên kênh huy động vốn linh hoạt, trực tiếp, hiệu quả đối với các nguồn vốn trong xã hội và từ các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó giảm sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.
Trong năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trong bối cảnh các dòng vốn quốc tế rút khỏi phần lớn các thị trường chứng khoán mới nổi.
Thị trường tiền tệ ngày càng phát triển và đi vào ổn định, đáp ứng tốt cung ứng vốn cho nền kinh tế. Trong 5 năm qua, tổng tín dụng tăng bình quân 17%/năm, thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định. Vốn cung ứng từ hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) lan tỏa tới tất cả các thành phần kinh tế và ngành kinh tế, hỗ trợ hiệu quả cho tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Vấn đề nợ xấu đã được giải quyết cơ bản, tỷ lệ nợ xấu giảm, đặc biệt sau khi có sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.
Tuy nhiên, TS. Trương Văn Phước cho rằng, thị trường tài chính Việt Nam vẫn tồn tại sự mất cân đối giữa 2 khu vực thị trường tiền tệ và thị trường vốn, theo đó hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn giữ vai trò chủ đạo. Hiện nay, cung ứng vốn từ khu vực ngân hàng chiếm tỷ trọng chính trong tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Tổng tài sản của các TCTD chiếm 96% tổng tài sản toàn hệ thống tài chính. Trong suốt những năm qua, hệ thống NHTM phải thực hiện vai trò cung ứng vốn cho cả nền kinh tế, do đó có thể tạo ra những rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản hệ thống.
Thị trường cổ phiếu mặc dù cải thiện về quy mô, nhưng nguồn vốn đi vào khu vực kinh tế thực thông qua việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) chưa lớn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) còn chưa phát triển, chưa thực hiện đúng vai trò huy động vốn trung - dài hạn cho DN thay thế cho nguồn vốn vay ngân hàng. Cơ sở hạ tầng thị trường tài chính Việt Nam còn nhiều hạn chế so với các thị trường tài chính phát triển; tổng tài sản hệ thống tài chính Việt Nam mới đạt khoảng 203% GDP, thấp hơn so với các quốc gia hàng đầu ASEAN (trên 300% GDP).
![]() |
Thị trường tiền tệ cần đáp ứng tốt nhu cầu cung ứng vốn cho nền kinh tế |
Cần một thị trường tài chính hiện đại
TS. Trương Văn Phước nhận định: Nghị quyết 142/2016/QH13 của Quốc hội khóa XIII đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đạt từ 6,5-7%. Mục tiêu bao trùm cho những năm tới là tiếp tục ổn định vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng cao và bền vững hơn. Theo đó, thị trường tài chính Việt Nam cũng phải phát triển tương xứng, tiếp tục hướng tới hài hòa hơn về cấu trúc, được vận hành theo các thông lệ quốc tế, phát triển an toàn lành mạnh, trở thành kênh huy động, dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế, phát triển một thị trường tài chính hiện đại và hài hòa hơn còn giúp đảm bảo an toàn, lành mạnh tài chính trước những biến động khó lường của thị trường tài chính quốc tế.
Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, có 2 định hướng cơ bản để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hài hòa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô cho tới năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, phát triển thị trường tiền tệ hiện đại, nâng cao năng lực tài chính của các NHTM. Đẩy mạnh tái cơ cấu NHTM và xử lý nợ xấu, tạo lập hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính để xử lý nợ xấu, trong đó có hình thành thị trường mua-bán nợ; từ đó, tăng khả năng cung cấp tín dụng ra nền kinh tế thực. Nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính của các NHTM; bảo đảm các TCTD có đủ vốn tự có theo chuẩn mực vốn của Basel II; nâng cao năng lực quản trị rủi ro tại các NHTM, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Chú trọng hướng dòng vốn tín dụng vào khu vực SXKD trong nước, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, DN trong những ngành, lĩnh vực hiệu quả, năng suất, công nghệ cao.
Đồng thời, phát triển thị trường vốn trở thành kênh cung ứng vốn trung và dài hạn hiệu quả. Phát triển, nâng cao tính minh bạch, thanh khoản của thị trường TPDN; Thúc đẩy việc nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi thông qua từng bước nới lỏng việc quản lý các giao dịch vốn trên cơ sở nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam và cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt. Phát triển thị trường phái sinh, nhằm bổ sung các công cụ phòng ngừa rủi ro, trong đó chứng khoán hóa các khoản cho vay có thế chấp bất động sản để hỗ trợ xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD.
TS. Trương Văn Phước: Thị trường tài chính Việt Nam giai đoạn tới cần chú trọng đến độ sâu hơn là theo chiều rộng như giai đoạn trước đây. Một nền tài chính hiện đại sẽ đóng vai trò chủ chốt, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao và bền vững, không những thúc đẩy việc luân chuyển dòng vốn thông suốt trong khu vực kinh tế thực, mà còn đảm bảo việc phân bổ hiệu quả nguồn lực tới các ngành ưu tiên phát triển. |
Tin mới cập nhật

Cổ phiếu nào tích lũy, sẵn sàng cho chu kỳ tăng mới?

SSI Research: Doanh nghiệp tư nhân bứt phá, dẫn sóng thị trường chứng khoán

Hơn 194.023 tài khoản chứng khoán mới, cao nhất trong 8 tháng

Chứng khoán bứt phá nhờ hệ thống KRX đi vào vận hành

Ngân hàng giữ vai trò chủ lực trên thị trường trái phiếu

Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc cấp phép sàn Forex?

Tín dụng ngân hàng tiếp sức thị trường trái phiếu

Động lực hút vốn ngoại trở lại thị trường chứng khoán Việt

Thị trường chứng khoán kỳ vọng phục hồi mạnh trong tháng 5

Trái phiếu công chúng tăng vọt, ngân hàng chiếm thế áp đảo
Tin khác

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phục hồi ngoạn mục

Trái phiếu doanh nghiệp đối mặt áp lực đáo hạn tăng

Cho vay chứng khoán quý I tăng mạnh, lập kỷ lục mới

Thị trường tìm điểm cân bằng, chuẩn bị đón sóng mới

An toàn hệ thống tín dụng: Cần đòn bẩy pháp lý mới

Quý I/2025, Google, Meta, Microsoft, TikTok... nộp 2.832 tỷ đồng tiền thuế

Kịch bản nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 4/2025?

Điều gì khiến thanh khoản trái phiếu tháng 3 khởi sắc?

Nhóm ngành nào có thanh khoản tăng nổi bật trong tháng 3/2025?

Thị trường chứng khoán đối mặt thách thức và cơ hội mới
Đọc nhiều

Chanh leo độc lạ 'chiếm sóng' thị trường, giá cao vẫn hút khách

Nhận định chứng khoán 14/5: Hạn chế mua đuổi

Nhận định chứng khoán 9/5: Hạn chế việc mua đuổi

Nhận định chứng khoán 8/5: Cân nhắc giải ngân

Nhận định chứng khoán 13/5: Cân nhắc giải ngân cổ phiếu

'Cơn khát' cát: Thực trạng báo động tại tỉnh Hà Tĩnh

Giải thưởng Bảo Sơn: Vinh danh 4 công trình khoa học đổi mới sáng tạo

Hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam

Thâm nhập thành công thị trường Canada: Bí quyết từ doanh nghiệp
