Tháng cô hồn: Tên gọi, nguồn gốc và những điều đại kỵ
TP.Hồ Chí Minh: Lễ hội Ẩm thực chay quận 7 diễn ra từ ngày 25-27/8/2023 Sắp diễn ra lễ hội “Chào Việt Nam” 2023 tại TP. Hồ Chí Minh |
Lý giải nguồn gốc & ý nghĩa “Tháng Cô hồn”
Tháng Cô hồn là một cách gọi của dân gian cho tháng 7 Âm lịch bắt đầu từ ngày 1/7 âm lịch đến hết ngày 29/7 âm lịch. Một số ý kiến cho rằng tên gọi này được bắt nguồn từ Đạo giáo của người Trung Quốc. Họ quan niệm rằng: Bắt đầu từ ngày mùng 2 tháng 7 Âm lịch thì Diêm Vương sẽ bắt đầu mở quỷ môn quan cho các vong linh, yêu ma, ngạ quỷ được quay trở về dương gian, quấy nhiễu hoặc mang đến những tai ương, đen đủi cho con người.
Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, nguồn gốc của tháng cô hồn không hẳn là bắt nguồn từ Trung Quốc. Các nền văn hóa khác như Ấn Độ, Campuchia hay Nhật Bản đều có chung niềm tin về tháng 7 âm lịch, và những truyền thống này có thể xuất hiện trước cả đạo Phật.
TS. Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết quan niệm tháng 7 Âm lịch là tháng cô hồn đã có từ lâu và mang tính phổ biến.
Theo Tiến sĩ Lộc, dưới sự ảnh hưởng của niềm tin trong Đạo giáo, dân gian Trung Quốc lưu truyền quan niệm cõi âm do Địa Quan Đại Đế quản lý. Tháng 7 Âm lịch, đặc biệt là ngày rằm của tháng này trùng với ngày sinh nhật của Địa Quan Đại Đế nên cửa địa ngục sẽ mở. Đó là lí do ma quỷ, vong hồn quay trở lại dương thế.
Còn tại Việt Nam, TS. Lộc cho biết: “Dân gian cho rằng Tết Trung nguyên tháng 7 là Địa quan xá tội, tức những vong hồn dưới âm phủ được lên cõi trần gian. Do đó, người ta bày mâm cúng thí thực cô hồn”.
“Vào thời điểm này, các chùa cũng thiết lập trai đàn chẩn tế để "tài pháp nhị thí" cho các cô hồn ngạ quỷ vất vưởng, đồng thời đây là dịp con cháu đến chùa cầu siêu cho ông bà tổ tiên đã qua đời”, TS Lộc nói thêm.
Theo ông, phong tục trên hướng con người đến việc mở rộng tấm lòng bi mẫn. Việc này thể hiện qua sự quan tâm, chia sẻ đối với những người kém may mắn, bất hạnh, gặp khó khăn trong cuộc sống.
Giải nghĩa về tục lệ Rằm tháng 7 Âm lịch, tác giả Bùi Xuân Mỹ viết trong cuốn Tục thờ cúng của người Việt: “Theo tín ngưỡng truyền thống thì vào ngày Rằm tháng 7, các tội nhân ở cõi âm được tha tội một ngày, bởi vậy các gia đình ở dương gian làm cỗ bàn cúng gia tiên, đốt vàng mã và cầu cúng tụng kinh độ trì cho họ”.
Tháng cô hồn: Tên gọi, nguồn gốc và những điều đại kỵ |
Vào tháng cô hồn, người ta quan niệm rằng, ma quỷ sẽ đi lang thang khắp nơi để quấy phá, mang lại xui xẻo cho con người. Vì vậy, ngoài các cỗ cúng, lễ cúng ở các gia tự, người ta còn bày cỗ cúng cho các cô hồn tại cầu, quán, đình, chùa và gọi là cúng cháo.
“Lễ vật để cúng cháo có cháo hoa nấu bằng gạo, cơm nắm vắt thành nắm nhỏ, hoa quả, bánh, bỏng, trầu cau, xôi chè và đồ vàng mã. Khi cúng xong, các cô hồn, những người nghèo, trẻ em giành và chia nhau các thứ đó” - tác giả Bùi Xuân Mỹ liệt kê.
Các chùa chiền trong tháng này cũng sẽ tụng kinh giảng đạo, cầu cho mọi người bình an, các linh hồn được siêu thoát rắc rối. Do vậy, nhà nào cũng chuẩn bị tế phẩm phong phú, sau khi tế lễ thì thụ lộc mang về.
Những điều cấm kỵ trong tháng Cô hồn
Trong dân gian có truyền miệng nhiều điều cấm kỵ trong tháng cô hồn. Nhiều người không tin nhưng cũng nhiều người cho rằng: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, mà nổi bật là những điều sau:
1. Không đi chơi đêm
Trong quan niệm xưa cũ, tháng 7 âm lịch hay còn gọi là tháng cô hồn là tháng ma quỷ hoạt động nhiều. Không nên đi chơi đêm, đặc biệt là đi một mình để tránh gặp những điều xui xẻo không mong muốn.
2. Không ăn vụng đồ cúng
Đồ cúng được quan niệm là của thiên, của địa. Do đó khi ăn trong lúc cúng được xem là một sự xúc phạm, tự rước họa vào thân.
3. Đi qua nơi vắng vẻ không được quay đầu lại
Khi con người ở những nơi vắng vẻ thì thường hay lo lắng nhưng tuyệt đối chỉ đi về phía trước, không được quay đầu vì sẽ luôn có cảm giác có ai đó đang dõi theo mình. Đây là cơ hội để ma quỷ trêu chọc và tạo cảm giác bất an.
4. Không cắm đũa vào bát cơm
Việc cắm đũa vào bát cơm bị coi là đại bất kính, bởi vì theo tục lệ truyền thống thì chỉ thắp hương cho người chết người ta mới làm như vậy. Nếu đem một đôi đũa cắm vào bát cơm, chẳng khác gì là cúng cơm cho người chết. Điều này sẽ khiến ma đánh hơi thấy và dùng cơm chung, mang âm khí vào nhà bạn. Vậy nên, đây là hành vi tuyệt đối không được làm.
5. Tránh làm vỡ bát đĩa
Trong tháng cô hồn, đặc biệt là ngày mùng 1 đầu tháng, dân gian cực kỳ kiêng kỵ làm vỡ bát đĩa. Trong những ngày tháng này mà bát đĩa vỡ, mẻ là điềm báo xui rủi, kém may mắn. Bát đĩa vỡ còn tượng trưng cho gia đình lục đục gia đạo bất an vận xui ập tới, tài lộc tiêu tan.
6. Không để mũi giày hướng về phía giường
Để mũi giày hướng về phía giường sẽ khiến ma quỷ đoán rằng người trên giường là người còn sống, chúng sẽ leo lên giường và ngủ chung với con người.
7. Không gọi tên nhau và buổi đêm
Việc réo tên nhau trong ban đêm sẽ khiến cho ma quỷ nhớ đến tên của người đó. Chính vì thế hành động này là đang rước họa vào thân.
8. Không tùy tiện đốt giấy, vàng mã
Việc đốt giấy, vàng mã trong thời gian này một cách tuỳ tiện được cho rằng giống như đang kêu gọi linh hồn của những con quỷ, mang đến xui xẻo và không may.
9. Không nên treo chuông gió đầu giường
Người xưa quan niệm rằng việc treo chuông gió ở đầu giường trong tháng cô hồn sẽ gọi ma quỷ đến nhà.
Tiếng chuông gió sẽ hút ma quỷ, điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến giấc ngủ mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày. Có thể dễ bị ma quỷ quấy phá.
10. Không nhặt tiền rơi ngoài đường
Trong tháng này, không nên nhặt những đồng tiền bị rơi, vãi trên đường vì có thể đó là tiền cúng mua chuộc bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa, nếu phạm kỵ sẽ gặp xui xẻo.
11. Không chụp ảnh vào ban đêm
Không chụp ảnh lúc ban đêm vào tháng cô hồn, ma quỷ luôn lảng vảng xung quanh sẽ “vô hình” vào ảnh chung với người sống, đó là điều cấm kỵ.
12. Không nên thề thốt, hứa suông
Trong tháng cô hồn, đặc biệt là khoảng thời gian từ 11 giờ đến 12 giờ 45 phút trưa hoặc từ 18 giờ chiều cho đến rạng sáng, không được thề thốt hay nói bậy bạ bất cứ điều gì kẻo rước họa vào thân.
13. Không phơi quần áo vào ban đêm,
Vì ma quỷ nếu trông thấy có thể sẽ “mượn tạm” mặc. Khi đó thì sẽ có chuyện không hay xảy ra nếu chúng ta mặc lại.
14. Hạn chế làm chuyện đại sự
Tháng cô hồn hạn chế làm những chuyện đại sự như ký hợp đồng làm ăn, cưới hỏi, chuyển nhà… nếu bất khả kháng tuyệt đối bạn phải xem kỹ ngày.
Ngoài ra, tháng cô hồn nên kiêng kị mua xe vào những ngày sát chủ, ngày kỵ thiên can – địa chi tương khắc….
Danh sách điều cấm kỵ trong tháng cô hồn đối với 1 số người còn dài hơn như: không đứng gần cây đa, cây đề; kiêng không được cắt tóc; kiêng xuất tiền của; kiêng một số món ăn như thịt chó, thịt vịt; kiêng gặp người vía dữ; kiêng ngã giá mua hàng rồi bỏ đi; kiêng đi thăm phụ nữ đẻ; kiêng quan hệ nam nữ; kiêng nói bậy, chửi tục; kiêng nói tới điều rủi ro; kiêng hù dọa người khác...
Mâm lễ cúng Rằm tháng 7. Nguồn từ Facebook: Nhung Ngo |
Tuy nhiên, tất cả chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm và phụ thuộc vào quan niệm, niềm tin của mỗi người. Dân gian thường sống bằng kinh nghiệm nhằm đáp ứng tâm lý hướng đến sự an toàn của cá nhân và cộng đồng. Dù vậy, cái gì nhiều quá thì cũng không tốt. Suy cho cùng, dù hành lễ ở đâu quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm. Con người thường xuyên làm việc thiện, giúp đỡ người khác thì dù trong hoàn cảnh nào, bản thân họ cũng cảm thấy an yên.