Sửa đổi chính sách đất đai - Tạo động lực cho phát triển nông - lâm nghiệp
Tạo hành lang pháp lý cho tích tụ đất đai cùng với quy định phù hợp về thời hạn thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông - lâm nghiệp. Thực tế, dù đã có chính sách khuyến khích, nhưng quá trình triển khai còn nhiều bất cập cần được điều chỉnh phù hợp để tạo động lực cho nông nghiệp phát triển bền vững.
Tại hội thảo, TS. Phạm Xuân Phương - đến từ Mạng Forlan đã chỉ ra các khai niệm về “đất rừng” có trong luật đất đai nhưng không giải thích về từ ngữ “đất rừng” trong khi đó cụm từ “đất lâm nghiệp” thì lại không có trong luật đất đai. Và theo TS. Phạm Xuân Phương, việc không quy định khái niệm “đất rừng” trong Luật Đất đai mà được điều chỉnh bằng văn bản dưới Luật nên hiệu lực pháp lý không cao. Ngoài ra còn một số khái niệm khác cũng cần được làm rõ như” đất tín ngưỡng”, “rừng tín ngưỡng”, “thửa đất”, “lô rừng”… hay các vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục cho thuê đất, rừng; chuyển loại đất, rừng; chuyển mục đích sử dụng đất, rừng… đang là những vấn đề gây nhiều vướng mắc trong giải quyết tranh chấp tại các địa phương.
Cũng theo TS. Phạm Xuân Phương, “Cần bổ sung một khoảng về “đất lâm nghiệp”, “đất rừng” vào Điều 3 của Luật Đất đai cũng như cần sửa đổi, bổ sung việc Nhà nước giao, cho thuê đất rừng và sử dụng đất, quyền của người sử dụng đất”. “Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để tương thích với Luật Lâm nghiệp và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và góp phần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam”, TS. Phương khẳng định.
Trong khi đó, đến từ Tổ chức Landa - ông Nguyễn Đức Thịnh - lại chỉ ra những bất cập trong Luật Đất đai khi người dân bị Nhà nước thu đất như :Chưa quy định cụ thể cách thực hiện đối với từng nhóm dự án căn cứ vào khả năng sinh lời của dự án đầu tư (Điều 62); Chưa có quy định về đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội trước và sau khi thực hiện dự án mà sử dụng đất do Nhà nước thu hồi vì mục đích lợi nhuận (Điều 62). Hay nội dung quy hoạch sử dụng đất không có yêu cầu tính toán hiệu quả kinh tế đối với đất bị thu hồi… trong khi thực tế việc thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải chi phí quá cao, không gắn với yêu cầu tạo bền vững xã hội trong giai đoạn hậu thu hồi đất…
Bên cạnh nhiều vấn đề vướng mắc và bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện Luật Đất đai 2013, thì các chuyên gia cũng để cập đến các cơ chế, giải pháp nhằm hỗ trợ tích tụ, tập trung cho đất nông nghiệp để từ đó hỗ trợ cho ngành nông - lâm nghiệp phát triển bền vững, tạo sinh kế ổn định cho người dân nông thôn.
Có thể nói, trong thời gian chờ sửa đổi Luật Đất đai 2013, việc sửa đổi các nghị định cũng như các quy định liên quan tới việc tập trung, tích tụ đất đai, thời hạn thuê đất và chuyển đổi mục đích sử dụng đất là việc cần làm ngay để tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nông nghiệp.