Phát triển kinh tế tuần hoàn: Sẽ sớm có quy định về chính sách thử nghiệm
Xây dựng cơ chế pháp lý để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn Kinh tế tuần hoàn ngành dệt may: Những bước chân tiên phong Phát triển thị trường carbon, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn |
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS. TS Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương - cho rằng, hiện có hai khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam là nhận thức và nguồn lực.
Liên quan đến vấn đề nhận thức, có thể thấy còn thiếu hiểu biết về mô hình này ở cấp quản lý, sản xuất và tiêu dùng. Hệ thống thể chế, quy định, chính sách còn các hạn chế tập trung ở các điểm chưa đồng bộ và chưa hiệu quả. Phương thức tổ chức tiến hành từ nền kinh tế truyền thống (kinh tế nâu, kinh tế tuyến tính) sang xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn để từ đó đóng góp vào mô hình tăng trưởng còn thiếu định hướng cụ thể, kịp thời và đặc biệt là thiếu hệ thống tiêu chí đủ chi tiết và cơ chế ưu đãi phù hợp.
Việc tiếp cận nguồn lực tài chính cho thấy nguồn lực này chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Kinh tế tuần hoàn đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn khiến các tổ chức tín dụng phát sinh chi phí để đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp cũng như nâng cao năng lực chuyên môn ngân hàng.
“Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn được ước tính sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng toàn cầu 4,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030, đồng thời giúp khôi phục các hệ thống tự nhiên. Việt Nam cũng nằm trong xu thế sản xuất xanh, do đó cần tận dụng cơ hội biến kinh tế tuần hoàn trong điều kiện mới để đạt mục tiêu tăng trưởng”, ông Thành nói.
Diễn đàn “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới” do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 25/9 tại Hà Nội. Ảnh: Quang Lộc |
TS. Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên – môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho biết, Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia để thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã đề 5 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện kinh tế tuần hoàn trong việc đẩy mạnh truyền thông, bổ sung kiến thức pháp luật, lồng ghép các nội dung giáo dục về kinh tế tuần hoàn vào chương trình giáo dục các cấp học, bậc học, bồi dưỡng cán bộ.
Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thực hiện kinh tế tuần hoàn bao gồm: Tổ chức xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện kinh tế tuần hoàn cho ngành, lĩnh vực và các tỉnh; hoàn thiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; tăng cường quản lý chất thải và đẩy mạnh liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện kinh tế tuần hoàn.
“Kế hoạch hành động này sẽ sớm được Chính phủ phê duyệt”, ông Dung cho biết.
Trong khi đó, TS Trần Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đặt vấn đề phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cần thiết đặt ra việc có những ngành với những cơ chế thử nghiệm để bảo đảm không gian rộng nhất cho doanh nghiệp thiết kế mô hình, dự án kinh tế tuần hoàn. Một số chính sách cần thử nghiệm theo bà Minh gồm: Chính sách khu công nghiệp, khu kinh tế; chính sách phân loại xanh; chính sách tín dụng xanh, tài chính xanh; chính sách khoa học công nghệ; chính sách nguồn nhân lực; chính sách đất đai. Bà Minh cũng cho biết, một nghị định của Chính phủ về vấn đề này sẽ sớm được ban hành.
Liên quan đến việc huy động nguồn lực để phát triển kinh tế tuần hoàn, TS Cấn Văn Lực trong phát biểu đã nêu quan điểm cần gắn kết các chiến lược, kế hoạch phát triển tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, cần thu hút nguồn lực tư nhân tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong việc thí điểm khu vực, ngành/ lĩnh vực thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn điểm (từ các kinh nghiệm nước ngoài); sớm thành lập thị trường tín chỉ carbon; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ban hành tiêu chí, chuẩn mực và huy động nguồn lực; xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ đo lường khí phát thải, dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu,…