Cận Tết Nguyên đán giá sầu riêng tăng 'chóng mặt'
Sầu riêng sẵn sàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc Sầu riêng Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng Xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng ‘phi mã’ gần 7 tỷ USD |
Sầu riêng ‘cháy hàng’, giá tăng cao
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính đằng sau tình trạng này là do nhu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng mạnh phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: "Giá sầu riêng tăng cao như hiện nay là do nhu cầu trong dịp Tết âm lịch của Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng sầu riêng Việt Nam, đặc biệt là các loại sầu riêng Ri6, Monthong...".
Không chỉ riêng Việt Nam, các nước xuất khẩu sầu riêng lớn khác trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Campuchia... cũng đang đối mặt với tình trạng khan hiếm sầu riêng trái vụ. Nếu có, chỉ còn một lượng nhỏ sầu riêng đông lạnh, không thể đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Thu hoạch sầu riêng chính vụ, phân loại xuất khẩu tại Đắk Lắk. Ảnh: Sơn Nam |
"Các nước trồng sầu riêng xuất khẩu khác Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines, Campuchia... không có sầu riêng trái vụ để bán, hoặc có thì chỉ là sầu riêng đông lạnh. Đó là những nguyên nhân chính khiến giá sầu riêng những ngày gần đây tăng cao”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất trong khu vực còn cung cấp sầu riêng tươi trái vụ. Tuy nhiên, nguồn cung cũng đang hạn chế, chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền Tây như Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp. Các địa phương trồng sầu riêng khác trong nước như Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng... đều không có sầu riêng trái vụ để bán.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung cùng với nhu cầu tăng cao đã đẩy giá sầu riêng lên mức kỷ lục. Nhiều người tiêu dùng lo ngại giá sầu riêng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt là khi Tết Nguyên đán đang đến gần.
Nông dân 'trúng đậm' nhưng vẫn đối mặt thách thức
Giá sầu riêng tiếp tục tăng cao, đạt mức kỷ lục, mang lại niềm vui cho người trồng. Tuy nhiên, đằng sau những con số lợi nhuận hấp dẫn là những thách thức không nhỏ mà người nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, khi giá sầu riêng leo thang, các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ siết chặt kiểm tra chất lượng sản phẩm. Các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật sẽ được thực thi nghiêm ngặt hơn.
Tại tỉnh Tiền Giang, một trong những vựa sầu riêng lớn nhất của cả nước, giá sầu riêng Monthong hiện đã lên tới 200.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 dao động từ 125.000 - 135.000 đồng/kg, tăng khoảng 50.000 đồng/kg so với tháng trước. Với mức giá này, mỗi kg sầu riêng, nhà vườn có thể thu lãi từ 100.000 - 140.000 đồng.
Giá sầu riêng Monthong hiện đã lên tới 200.000 đồng/kg. Ảnh: Vinadurian |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện nay, toàn tỉnh có 21.790 ha trồng sầu riêng, trong đó hơn 14.915 ha đã cho trái. Đặc biệt, tỉnh đã có 155 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu được cấp phép, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Thực tế cho thấy, kể từ khi Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 11/7/2022, giá sầu riêng hầu như duy trì ở mức cao, giúp nông dân thu lợi nhuận lớn và cải thiện đời sống.
Tuy nhiên, để duy trì được mức giá này và mở rộng thị trường xuất khẩu, các hộ trồng sầu riêng và doanh nghiệp phải đảm bảo sầu riêng đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, không vượt quá giới hạn cho phép về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đa dạng hóa thị trường, không chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc mà cần tìm kiếm thêm các thị trường tiềm năng khác. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và bảo quản sầu riêng để nâng cao năng suất và chất lượng.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam vừa ra thông báo về tình trạng một số đối tượng đã lợi dụng gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng thông qua các hình thức hợp đồng ủy quyền sử dụng mã số với các con dấu, chữ ký giả, tự chế… để lừa đảo. Hành vi này vi phạm nghiêm trọng và gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh sầu riêng chân chính. Vì vậy, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng liên quan: Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở đóng gói, xuất khẩu sầu riêng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã có tố giác hoặc chưa có. Bên cạnh đó xây dựng cơ sở dữ liệu mã số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, giúp dễ dàng quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thêm vào đó, cần công khai danh sách các cơ sở sản xuất, đóng gói sầu riêng đạt chuẩn, giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm tin cậy. |