Kinh tế tuần hoàn ngành dệt may: Những bước chân tiên phong
Ngành dệt may-da giày ứng phó tình trạng sụt giảm đơn hàng | |
Kinh tế tuần hoàn: Đâu là điểm khó của doanh nghiệp dệt may? |
Công ty CP kết nối thời trang Faslink được biết tới là một trong những nhà cung cấp nguyên liệu xanh tiên phong của dệt may Việt Nam. Ba loại vải đang khá nổi tiếng của Faslink là vải làm từ sợi cà phê, sợi sen và từ vỏ hàu.
Theo bà Trần Hoàng Phú Xuân- Giám đốc Faslink, vải sợi cà phê là nguyên liệu bền vững, thông qua việc thu gom bã cà phê và chai nhựa, dựa trên công nghệ polymer hóa tạo ra vòng đời mới. Việc sản xuất vải cà phê giúp giảm thiểu một phần tác động đối với môi trường. Đây là một trong những công nghệ vải sợi mới nhất được sử dụng trong ngành dệt may.
Vải sợi hàu được kết hợp từ chai PET tái chế, bột vỏ hàu được nano hóa làm cho polyester bình thường trở nên khác biệt và đầy tính năng. Vải thun vỏ hàu được Faslink nghiên cứu và phát triển nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, đồng thời tái sử dụng, tái chế các nguyên liệu này. Từ năm 2018 Faslink khai thác vỏ hàu làm sợi vải, đến nay đã có 3 nhãn hàng khai thác sợi vải này
Còn vải sợi sen được dệt từ những sợi tơ lấy từ trong cuống lá sen kéo ra và se lại. Vải sợi sen thân thiện với môi trường do được dệt hoàn toàn từ sợi tơ sen nên không có chất thải gây ô nhiễm môi trường mà còn có khả năng tự phân hủy cao.
“Mặc dù sử dụng công nghệ khác nhau, nhưng tất cả loại sợi đều giúp tái tạo rác thải trong thiên nhiên, có tính năng bền vững, tức là dù đã trải qua công đoạn giặt, ủi, dệt, may… vẫn giữ được đầy đủ tính chất ban đầu”, bà Trần Hoàng Phú Xuân nói.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng là doanh nghiệp lớn sớm tiếp cận xu hướng phát triển bền vững, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn. Xanh hóa là một trong ba trụ cột “kinh tế-an sinh-môi trường”, tập đoàn đã triển khai nhiều chương trình đầu tư mới theo định hướng xanh.
Theo ông Lê Tiến Trường- Chủ tịc HĐQT Vinatex, trong 5 năm qua, gần như 100% các nhà máy sợi, nhà máy may mới đầu tư đều đã trang bị điện mặt trời áp mái, với nhà máy may là đủ sử dụng 100%, nhà máy sợi khoảng 20% điện năng cần cho sản xuất. Với các nhà máy cũ, trên 30% nhà máy còn đủ điều kiện an toàn, nằm ở miền Trung và miền Nam cũng đã triển khai. Các dự án đầu tư mới, năng lượng tái tạo đã nằm trong danh mục suất đầu tư cơ bản.
Kinh tế tuần hoàn là xu hướng đang được doanh nghiệp dệt may Việt Nam hướng tới |
Trong lĩnh vực sợi, có trên 10% doanh nghiệp thuộc tập đoàn có khả năng cung cấp ổn định, có khách hàng dài hạn sợi từ xơ PE tái chế, từ bông tự nhiên trồng theo phương pháp organic.Lĩnh vực vải dệt kim cũng đã có các doanh nghiệp sản xuất vải dệt kim từ sợi tái chế, tuy tỷ trọng còn nhỏ, dưới 5% sản lượng.
Tập đoàn cũng đã triển khai cơ bản xong các chương trình điện áp mái, chương trình tiết kiệm nước, kiểm toán năng lượng ở các đơn vị thành viên, thực hiện đánh giá các tiêu chuẩn sinh thái như bông, sản phẩm dệt theo Oekotex (tiêu chuẩn về việc kiểm nghiệm sự an toàn sản phẩm dệt lên sức khỏe của con người).
Dù đã có kết quả bước đầu, tuy nhiên theo lãng đạo Vinatex, để xây dựng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn doanh nghiệp xác định gặp nhiều thách thức. Đầu tiên, nguồn vốn cho đầu tư sản phẩm xanh, cho năng lượng tái tạo đòi hỏi rất lớn là vấn đề khó giải quyết với doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp may quy mô vốn nhỏ.
Thách thức về đổi mới công nghệ. Dù vẫn là làm sợi, làm dệt nhuộm nhưng công nghệ xử lý trong hai lĩnh vực này để cho ra các sản phẩm tái chế có những khác biệt nhất định với sản phẩm truyền thống. Doanh nghiệp phải bỏ chi phí R&D.
Và thách thức về hiệu quả kinh tế. Do quy mô sản xuất hàng tiêu chuẩn xanh còn nhỏ, nên thực tế không có lợi ích nhờ quy mô, đồng thời phải gánh chi phí R&D nên các sản phẩm thử nghiệm chưa có hiệu quả ngay.
Ông Lê Tiến Trường cũng đề xuất: Chính phủ tạo hành lang chính sách để khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào hướng sản xuất xanh. Trong đó chủ yếu gồm chính sách tín dụng với lãi suất và hạn mức ưu đãi hơn cho doanh nghiệp đầu tư và sản xuất sản phẩm xanh. Đây cũng là bước đi cụ thể của Việt Nam để đạt được cam kết zero carbon vào năm 2050.
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp trong tiến tới mô hình kinh tế tuần hoàn, ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng - cho hay: Ngành dệt may tiếp cận với kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững từ năm 2017. Hiệp hội khuyến khích doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn nhưng đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp là yếu tố then chốt.
Để xây dựng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, ông Trương Văn Cẩm cho rằng: Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về kinh doanh tuần hoàn; tìm hiểu kỹ những thách thức và cơ hội khi đổi mới hoạt động kinh doanh sang mô hình tuần hoàn; có bước đi thích hợp tập trung vào những khâu có thế mạnh, nhất là cần tính toán lợi ích – chi phí, lộ trình chuyển đổi cho phù hợp.