Khu công nghiệp tự sản xuất năng lượng xanh
Ninh Thuận định hướng phát triển năng lượng xanh làm đòn bẩy bứt phá Năng lượng xanh quan trọng thế nào với tương lai của Việt Nam? |
Tối ưu chí phí nhờ điện mặt trời
Cách đây 5 năm, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C đã trở thành khu công nghiệp đầu tiên lắp đặt thiết bị điện áp mái, hạ tầng truyền tải, tự sản xuất điện, đồng thời cũng mua điện bên ngoài để phân phối lại cho khách hàng.
Theo Tổng Giám đốc DEEP C - ông Bruno Jaspaert - Tổng Công ty Điện lực miền Bắc - cần nâng cấp cơ sở hạ tầng hiện tại lên mức có thể bù đắp lượng tiêu thụ cao điểm so với mức cao nhất theo chu kì của năng lượng tái tạo. Đồng thời đảm bảo duy trì lưới điện ổn định cũng như cấp phép cho mô hình lưới điện siêu nhỏ. Bằng cách đó, mỗi khu công nghiệp có thể trở thành nhà sản xuất thay vì là đơn vị tiêu thụ năng lượng.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho rằng, các cơ quan quản lí cần tính đến phương án đưa phần điện dư thừa lên hệ thống lưới điện để tạo ra nguồn thu cho những doanh nghiệp thực hiện lắp đặt năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Từ đó tạo ra nguồn thu đóng góp vào việc giảm chi phí giá thành, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, an ninh hệ thống điện cần được đảm bảo theo kế hoạch để vận hành xuyên suốt. Do đó ông Trần Thanh Bình - Phó Trưởng ban Kinh doanh tại Tập đoàn EVN - nhấn mạnh doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các quy định của Bộ Công Thương về giám sát vận hành. Cần một cơ chế hướng dẫn cụ thể về tự sản tự tiêu, điện áp mái không bán điện lưới, ai giám sát, ai thống kê...
Quy hoạch điện VIII định hướng điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Cần các công ty dịch vụ năng lượng tham gia bán điện
Được biết, hiện nay phổ biến 4 mô hình phát triển kinh doanh điện mặt trời. Một là doanh nghiệp tự đầu tư nhờ những nhà cung cấp giải pháp về pin năng lượng mặt trời.
Hai là những công ty cung cấp giải pháp thuê mái nhà của doanh nghiệp để đầu tư, doanh nghiệp được sử dụng điện năng đó với giá thấp hơn từ lưới điện khoảng 20 - 30%.
Ba là hợp tác giữa hai bên để đầu tư và chia lợi ích. Bốn là chủ đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp cũng đầu tư vào hạ tầng điện để bán lại cho các đơn vị thuê nhà kho, xưởng trong khu công nghiệp.
Ông Phan Công Tiến - chuyên gia năng lượng và thị trường điện - cho biết hiện có 2 phương thức: Một là người sử dụng tự đầu tư, người dùng điện tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, tăng sản phẩm cũng như đóng thuế có lợi cho người sản xuất. Hai là hợp tác, người sử dụng kết hợp với doanh nghiệp phát triển, đảm bảo hài hòa lợi ích đôi bên, trong đó có sự đảm bảo ổn định về lưu trữ và thúc đẩy phát triển khi nguồn cung dư thừa.
Về mặt lợi ích, với mô hình này, nhà nước, người dân và doanh nghiệp đều có lợi, nên mở cửa cho làm. Về phía người dân và doanh nghiệp khi sử dụng, cơ cấu giá điện sẽ giảm. Về mặt nhà nước, nếu phát triển mô hình sau công tơ, doanh nghiệp sẽ đóng thuế như mô hình phát triển trước công tơ. Đồng thời khi doanh nghiệp có điện giá rẻ sẽ tăng sản xuất, tạo ra nhiều nguồn thu cho nền kinh tế.
"Về lâu dài cần có các công ty dịch vụ năng lượng để tham gia vào quá trình bán điện. Qua đó tránh quá trình tự sản, tự tiêu gây lãng phí nguồn điện. Nhà nước nhờ đó cũng sẽ có thêm nguồn thu từ thuế" - ông Tiến đề xuất.