Dự án điện khí LNG ở miền Trung: Đáp ứng nhu cầu cung ứng năng lượng bền vững
Tiếp tục thúc tiến độ các dự án nhà máy điện LNG Tạo hành lang pháp lý và cơ chế cho phát triển điện khí tại Việt Nam |
Nghị Quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 11/02/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG”, đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.
Ngoài ra, dự thảo Quy hoạch điện VIII xác định rõ quan điểm phát triển là giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than với mục tiêu giảm tối đa phát thải khí CO2; không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới; xem xét chuyển đổi một số nguồn điện sử dụng nhiên liệu than sang khí thiên nhiên hóa lỏng LNG.
Tại 2 địa phương Quảng Bình và Quảng Trị, các dự án được chuyển đổi từ nhiệt điện than sang dự án điện khí thiên nhiên hóa lỏng LNG hứa hẹn sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần làm tăng ngân sách cho địa phương và tạo ra hàng ngàn việc làm cho người lao động.
Vừa qua, Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II được điều chỉnh và UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ trao Quyết định Chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Quảng Trạch II chuyển đổi sang công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, sử dụng nhiên liệu khí LNG. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã triển khai điều chỉnh Dự án để phù hợp với Quy hoạch điện VIII.
Trung tâm Điện lực Quảng Trạch (Ảnh: NLVN) |
Quy mô dự án được điều chỉnh từ công suất 1.200 MW thành công suất 1.500 MW (công suất chính xác của nhà máy sẽ được xác định cụ thể phù hợp với gam công suất của tổ máy trong giai đoạn triển khai dự án). Tổng mức đầu tư được phê duyệt mới là 52.490.804.287.428 đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu chiếm 20%, vốn vay chiếm 80% tổng mức đầu tư. Điều chỉnh công nghệ áp dụng từ công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống sang công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp. Các nội dung còn lại thực hiện theo Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 18/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Phan Phong Phú - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: “Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Quảng Trạch II là dự án trọng điểm của tỉnh, có tầm quan trọng chiến lược đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình nói chung và Khu kinh tế Hòn La nói riêng. Việc triển khai Dự án nhằm thực hiện mục tiêu Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch chung tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Khi dự án đi vào hoạt động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, hàng năm tăng nguồn thu cho ngân sách khoảng 1.500 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho người lao động tỉnh Quảng Bình”.
Mô phỏng dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng |
Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng đã được Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 10/2021. Dự án có tổng mức đầu tư gần 54.000 tỷ đồng (tương đương hơn 2,3 tỷ USD), do tổ hợp nhà đầu tư gồm: CTCP Tập đoàn T&T, Tổng công ty Năng lượng Hanwha (Hàn Quốc), Tổng công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS), và Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) thực hiện.
Dự án được triển khai tại hai xã Hải An và Hải Ba, thuộc huyện Hải Lăng, nằm trong Khu phức hợp năng lượng của Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, với diện tích sử dụng đất khoảng 148ha.
Dự án sẽ bao gồm việc xây dựng Trung tâm Kho cảng LNG Hải Lăng (giai đoạn 1), có khả năng tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000 đến 226.000m3, với công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm. Đồng thời, Trung tâm Điện lực Hải Lăng (giai đoạn 1) sẽ có công suất phát điện 1.500MW.
Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết, theo đánh giá khi hoàn thành, dự án không chỉ góp phần đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung mà còn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Dự án dự kiến sẽ đi vào vận hành thương mại trong giai đoạn 2026-2027.
Ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết, tổ hợp nhà đầu tư đã đề xuất tiến độ tổng thể của dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt tại Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được hoàn thành vào quý III/2024, đàm phán Hợp đồng mua bán điện vào quý III/2025, ký kết Hợp đồng thu xếp tài chính vào quý IV/2025. Dự án dự kiến khởi công vào quý IV/2025, với thời gian xây dựng kéo dài 48 tháng và sẽ vận hành thương mại vào quý IV/2029.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ông Võ Văn Hưng cho biết: “Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục đồng hành với Liên doanh nhà đầu tư để hoàn thiện việc điều chỉnh dự án đầu tư, trong đó có việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu xây dựng Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị - giai đoạn 1, điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1; hoàn thiện một số thỏa thuận chuyên ngành chính nhằm đảm bảo đầy đủ các điều kiện để Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định”.
Trong Danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 có 13 dự án LNG. Theo đó, tới năm 2030 sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất dự kiến là 83 tỷ kWh. |