Dự kiến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon
Phát triển thị trường carbon, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn Phát triển thị trường carbon: Cơ hội nào cho Việt Nam? |
Hiện trạng thị trường phát thải carbon
Thị trường carbon lần đầu tiên được đề cập trong Quyết định 1775/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2012, phê duyệt Đề án quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính; quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ carbon ra thị trường thế giới.
Theo đó, đề án rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho tổ chức và hoạt động của thị trường tín chỉ carbon tự nguyện; xây dựng chính sách nhằm tạo điều kiện cho các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào dự án kinh doanh tín chỉ carbon từ rừng theo hướng xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng...
Các đại biểu tham dự hội thảo: “Thị trường carbon: Cơ hội và thách thức’’. Ảnh: Cấn Dũng |
Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng đã đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện nước ta trên cơ sở hỗ trợ tài chính, công nghệ của các nước và tổ chức quốc tế; phát triển thị trường trao đổi tín chỉ carbon trong nước, tham gia thị trường carbon toàn cầu.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định việc tổ chức và thực hiện thị trường carbon. Năm 2021, Nghị quyết 50-NQ/CP của Chính phủ đã xác định thực hiện Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam là một trong các nhiệm vụ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định chi tiết việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozone và phát triển thị trường carbon…
Với trách nhiệm là một bộ kinh tế đa ngành, quản lý 2 lĩnh vực quan trọng là công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương luôn quán triệt, thực hiện nghiêm quan điểm, chủ trương của Đảng; đồng thời chủ động, tích cực xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, theo Quyết định 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022; Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định và ngày 14/6/2024…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường; thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng; chuyển dịch năng lượng; thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo; ứng dụng khoa học - công nghệ giảm phát thải; kiểm kê khí nhà kính…
Thông tin tại hội thảo: “Thị trường carbon: Cơ hội và thách thức’’, do Báo Công Thương tổ chức sáng ngày 25/12, ông Hoàng Văn Tâm - Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: Giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực năng lượng và quá trình công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mêtan đến năm 2030 góp phần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo mục tiêu cụ thể đến năm 2050, bằng nguồn lực trong nước giảm ít nhất 8,2% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường; khi có hỗ trợ của quốc tế giảm ít nhất 36,4% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường.
Đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước giảm ít nhất 9,0% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường. Khi có hỗ trợ thêm của quốc tế giảm khoảng 34,8% phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường.
Các biện pháp Bộ Công Thương đưa ra nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với công nghiệp sản xuất và xây dựng như: Thu hồi năng lượng từ nhiệt thải; tối ưu hóa quá trình đốt, sử dụng các thiết bị hiệu suất cao, lắp đặt biến tần quản lý năng lượng.
Khu vực gia dụng, thương mại dịch vụ sẽ chuyển dịch theo xu hướng sử dụng các trang thiết bị điện hiệu suất cao, sử dụng nắng lượng mặt trời, sử dụng nhiên liệu sạch hơn.
Công nghiệp năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, sinh khối), phát triển tuabin khí hỗn hợp, nhiệt điện than siêu tới hạn và trên siêu tới hạn. Ngoài ra, áp dụng công nghệ tốt nhất trong lĩnh vực sản xuất hóa chất, thép, sử dụng môi chất lạnh thân thiện.
Từ năm 2025, Bộ Công Thương sẽ phải báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kế hoạch đề xuất xây dựng báo cáo giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương, cũng như kế hoạch đề xuất thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định của pháp luật đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Vướng mắc của doanh nghiệp
Giới chuyên gia nhận định, để thực hiện thành công kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh thì một trong những nhiệm vụ quan trọng, không thể quay ngược đó là xây dựng, phát triển thị trường carbon.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành xây dựng và trình ban hành Đề án phát triển thị trường carbon để có thể triển khai thí điểm vào năm 2025, sau năm 2027 sẽ vận hành chính thức.
Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, ngoại trừ một số ít thì đa phần doanh nghiệp phản ánh còn gặp những thách thức. Bà Đặng Hồng Hạnh – Trưởng nhóm, Chuyên gia về Chính sách biến đổi khí hậu; đồng sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần tư vấn Năng lượng và Môi trường – cho biết: Kết quả điều tra khảo sát sự sẵn sàng và hiểu biết của doanh nghiệp về thị trường carbon (tháng 12/2023), phần lớn doanh nghiệp chưa thực hiện kiểm kê khí nhà kính (67,93%), chỉ có 32,07% đã thực hiện kiểm kê. Bên cạnh đó, mới có 27,87% doanh nghiệp có kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính; 14,77% doanh nghiệp chưa có kế hoạch; 57,38% đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch
Trong khi đó, theo kế hoạch, yêu cầu Việt Nam cần phải báo cáo trong tháng 3/2025, gồm: Các công cụ phi thị trường; quy định kiểm soát phát thải trực tiếp; hỗ trợ công nghệ, tài chính, tăng cường năng lực. Dự kiến đến năm 2028, sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon. Như vậy, nếu không có kế hoạch thực hiện sớm, chủ động của doanh nghiệp sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Mạnh Thắng - Ban Năng lượng Tập đoàn Trường Thành Việt Nam - chia sẻ khó khăn từ thực tiễn như: Thủ tục hành chính; những thách thức về tài chính; chi phí đầu tư cho công nghệ giảm phát thải cao; khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và tín dụng xanh; hạn chế về công nghệ và kỹ thuật; thiếu hụt nguồn nhân lực chuyên môn, thiếu chuyên gia về thị trường carbon và quản lý phát thải; cộng với rủi ro về thị trường và kinh doanh, do biến động giá carbon ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh…
Để giúp doanh nghiệp tháo gõ khó khăn, ông Vũ Mạnh Thắng đề xuất giải pháp cho doanh nghiệp năng lượng, đó là cần phải hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, kiến nghị Chính phủ ban hành các quy định cụ thể, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính, quỹ môi trường, khuyến khích đầu tư từ các tổ chức quốc tế; đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch hơn, áp dụng hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả, phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác và kết nối thị trường; quản lý rủi ro và chiến lược kinh doanh linh hoạt.
Đồng quan điểm với ông Thắng, nhiều doanh nghiệp bày tỏ còn gặp khó khăn trong việc xác định đúng nguồn phát thải, phân loại và tính toán chúng, đặc biệt cho các nguồn phát thải phức tạp như từ xử lý nước thải, chất thải, hay các quá trình công nghiệp…
Có thể thấy, việc thực hiện kiểm kê khí nhà kính chắc chắn sẽ mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích cụ thể, như: Giúp doanh nghiệp hiểu rõ hoạt động kinh doanh của chính mình qua việc khảo sát, lựa chọn và tập hợp thông tin một cách có hệ thống. Khi doanh nghiệp đánh giá các rủi ro liên quan đến tác động tiêu cực của khí nhà kính sẽ làm lộ diện “điểm nóng” trong chuỗi giá trị của mình. Từ đó, giúp doanh nghiệp lựa chọn ưu tiên trong nỗ lực giảm phát thải một cách phù hợp với nguồn lực nội bộ.
Song trên thực tế, không chỉ Việt Nam, ở các nước đang phát triển, ngoài những thách thức nói trên, việc phát triển thị trường carbon còn gặp nhiều khó khăn khác, như việc thiếu kinh nghiệm trong quản lý thị trường và giám sát khí thải, khó khăn trong thu thập dữ liệu và đánh giá mức độ tác động của các chính sách và cơ chế, khả năng quản lý và hạn chế về công nghệ. Do đó, để khắc phục những vướng mắc cần có các khóa đào tạo, hướng dẫn tới tiểu lĩnh vực cụ thể; đẩy mạnh công tác truyền thông để doanh nghiệp nhận thức rõ và đúng về vấn đề để thực hiện tốt.