Phát triển hạ tầng trạm sạc: Cần đồng nhất quy chuẩn
Xe điện có “tiện” như xe xăng? Cơ chế nào hút các nhà đầu tư ''rót vốn'' vào trạm sạc điện? Bất chấp chính sách tăng thuế của Mỹ, xe điện Trung Quốc vẫn mạnh mẽ tiến vào thị trường |
Cần sớm có chính sách ưu đãi để thu hút nhiều doanh nghiệp
Trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và giảm thiểu phát thải carbon, Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Với mục tiêu đạt cân bằng phát thải carbon vào năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng xe điện thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất cản trở sự phổ biến của xe điện tại Việt Nam là cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ.
Việc ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng hiện cũng nằm trong các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để đảm bảo lộ trình từ nay đến năm 2050. Ảnh: VinFast |
Cụ thể, thời gian qua, hãng xe VinFast đã có nhiều nỗ lực vừa sản xuất xe điện, vừa đầu tư trạm sạc trên khắp các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, nếu chỉ có riêng mình đơn vị này thực hiện, cũng chưa thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sử dụng xe điện hay có thể khuyến khích nhiều người chuyển sang mua ô tô điện. Hay nói cách khác, số lượng ô tô điện chưa bán được nhiều, chưa lưu thông nhiều trên thị trường, chủ yếu là vì hạn chế trạm sạc.
Hiện nay, hệ thống trạm sạc xe điện tại Việt Nam còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng lo ngại về khả năng sạc pin khi di chuyển xa. Theo ước tính, Việt Nam cần đầu tư khoảng 123 tỷ USD và 14 tWh năng lượng từ năm 2024-2040 để đáp ứng nhu cầu của thị trường xe điện.
Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng không chỉ bao gồm việc xây dựng các trạm sạc mà còn phải nâng cấp hệ thống điện lưới để đảm bảo cung cấp đủ điện cho các trạm sạc này. Ngoài ra, việc phát triển các công nghệ lưu trữ năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo cũng rất quan trọng. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực lên hệ thống điện lưới quốc gia và đảm bảo tính bền vững cho ngành năng lượng.
Theo các chuyên gia, để phát triển xe điện, sau sản xuất, trạm sạc là quan trọng nhất. Hiện, nhiều người dùng vẫn chưa sẵn sàng mua ô tô điện do lo ngại thiếu trạm sạc trên các tuyến đường lưu thông, di chuyển ở các tỉnh thành hay tại các khu chung cư.
Trao đổi với Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, việc phát triển phương tiện giao thông điện, sử dụng nhiên liệu xanh là xu hướng chung của thế giới. Chuyên gia bày tỏ ủng hộ hoàn toàn việc Chính phủ nghiên cứu đưa ra các chính sách ưu đãi để phát triển hệ thống trạm sạc dành cho xe điện nói chung.
Việc đầu tư vào các trạm sạc mất nhiều chi phí vì liên quan đến thuê, mua đất với diện tích khá lớn; đầu tư thiết bị kỹ thuật cũng như nguồn điện cung cấp đủ lớn để đáp ứng nhu cầu cho khách hàng sạc điện.
“Cần sớm có chính sách ưu đãi để thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư trạm sạc cho xe điện mới có thể thúc đẩy được xu hướng chuyển đổi giao thông xanh. Đặc biệt, liên quan tới hoạt động của trạm sạc điện, cần phải có nguồn điện cung cấp công suất lớn, liệu các đơn vị cung cấp điện có ưu tiên nguồn phát điện không?", PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo quy định, từ ngày 1/8, nhà chung cư được xếp hạng cao nhất phải đáp ứng điều kiện là có trụ sạc cho xe điện; hay từ đầu tháng 10 tới, những trạm dừng nghỉ xây mới trên các tuyến cao tốc, quốc lộ hoặc đường tỉnh cũng phải có trạm sạc cho xe điện. Vì vậy, rất cần có chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng trạm sạc điện.
Đồng nhất quy chuẩn cho hạ tầng trạm sạc
Theo đó, liên Bộ Công Thương - Bộ Khoa học và công nghệ đã thống nhất quan điểm về xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc xe điện, bao gồm cơ sở hạ tầng điện, cơ sở hạ tầng điều khiển và liên lạc, cổng sạc và giắc cắm đáp ứng các tiêu chuẩn khác nhau, sớm báo cáo Chính phủ để phân nhiệm cho các bộ, ngành liên quan.
Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ông Phạm Nguyên Hùng nhấn mạnh, cơ sở hạ tầng trạm sạc điện đầy đủ với công nghệ sạc nhanh sẽ hỗ trợ việc sử dụng xe điện trở nên dễ dàng hơn, thúc đẩy giao thông xanh và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xe điện và trạm sạc không chỉ là công cụ quản lý nhà nước mà còn định hướng các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô điện và ngành công nghiệp phụ trợ, khuyến khích người dùng sử dụng phương tiện giao thông giảm phát thải.
Bộ Công Thương đề nghị Bộ Khoa học và công nghệ sớm xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn về yêu cầu thiết kế, lắp đặt, vận hành đối với trụ/thiết bị sạc điện cho xe điện để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về trụ/thiết bị sạc điện.
Ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, cho rằng, mức độ tăng trưởng trạm sạc xe của Việt Nam thời gian gần đây "cao hơn nhiều" so với các nước trong khu vực, thậm chí cả những nước có trạm sạc lớn, như Mỹ và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, ngoài các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật riêng cho các trụ/trạm sạc. Việc này cần triển khai theo "quy trình rút gọn" để có thể hoàn thành trong tháng 9/2024.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung quy hoạch các trạm sạc điện ở các tòa nhà, khu dân cư, trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc.
Đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cần khẩn trương nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII để bổ sung nguồn điện phục vụ cho việc lắp đặt hệ thống các trạm sạc; nghiên cứu và xây dựng phương án cấp điện cho các trạm sạc điện. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần rà soát, bổ sung các địa điểm có thể xây dựng trạm sạc.