Không để lặp lại nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới
Không để nông thôn mới chỉ là cái bảng hiệu |
Gần đây, những cuộc giám sát của Quốc hội nói nhiều về câu chuyện nợ xây dựng cơ bản. Theo ông, đâu là nguyên nhân cơ bản và bài học được nhìn nhận nghiêm túc đối với một chương trình được coi là lớn nhất của nông thôn trong giai đoạn vừa qua là gì?
Nợ đọng trong xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 liên quan đến cả nguyên nhân khách quan và và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, do tình hình kinh tế khó khăn nên việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, đặc biệt từ ngân sách trung ương, cho chương trình còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, chúng ta cứ hy vọng huy động từ các nguồn lực khác như từ doanh nghiệp (DN) và các tổ chức kinh tế nhưng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế khác thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu.
Mặt khác, trong chương trình NTM, với quan điểm cả nước chung sức xây dựng NTM, không chỉ có ngân sách của trung ương, tỉnh và huyện, mà hầu hết các địa phương đều có yêu cầu ngân sách của xã phải có đối ứng. Trên thực tế, ở cấp xã không có nguồn thu, do vậy nguồn ngân sách đối ứng phụ thuộc vào bán đất, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc thu tiền từ đấu giá quyền sử dụng đất ở hầu hết các địa phương thấp hơn nhiều so với dự kiến.
Về nguyên nhân chủ quan, đầu tiên, vào thời điểm 2014-2015, khi chuẩn bị kết thúc giai đoạn 1, các địa phương tìm mọi cách đạt được mục tiêu đề ra, trong khi không có nguồn lực, các địa phương đã tính đến chuyện nợ. Bên cạnh đó, trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chúng ta phân cấp tối đa cho cấp huyện, cấp xã và chủ đầu tư quyết định các dự án. Tuy nhiên, năng lực của nhiều địa phương, nhất là cấp xã còn hạn chế nên không kiểm soát được quy trình cũng như tính toán nhu cầu nguồn vốn cho từng dự án cụ thể, dẫn đến khi đầu tư đã bị tăng giá lên. Mặt khác, một số địa phương chạy theo tiêu chí, áp dụng tiêu chí một cách máy móc dẫn đến nhiều công trình vượt quá khả năng cân đối quy hoạch nguồn lực.
Ngoài ra, đối với nhiều địa phương, cũng xuất hiện tình trạng giao cho DN nhận công trình trong khi chưa xác định được nguồn vốn, đây là biểu hiện cần phải chấn chỉnh vì nó là dấu hiệu không lành mạnh trong đầu tư xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương |
Thưa ông, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã bước sang giai đoạn mới, làm thế nào để không chỉ đạt được mục tiêu 50% xã về đích NTM, mà quan trọng hơn là đạt được tính bền vững của chương trình?
Để đảm bảo tính bền vững và nâng cao chất lượng, quan trọng nhất là chúng ta phải giải quyết vấn đề liên quan đến sai phạm trong nợ đọng xây dựng NTM. Vừa qua, chúng tôi cũng đã làm việc với Ban giám sát của Quốc hội và đề xuất phương án về vấn đề các địa phương phải có những cam kết, có lộ trình để xử lý dứt điểm nợ đọng 2011-2015. Đặc biệt là vấn đề bố trí nguồn lực địa phương, nhất là các địa phương tự túc về ngân sách phải có trách nhiệm sớm giải quyết xong số nợ này.
Thứ hai, phải chấn chỉnh tuyệt đối không để xảy ra tình trạng các DN ứng trước để làm chương trình. Đồng thời, chúng tôi cũng đưa yêu cầu không có nợ đọng xây dựng cơ bản sai quy định, cũng như những sai phạm liên quan đến quản lý xây dựng trong việc công nhận, xem xét đánh giá các xã đạt chuẩn NTM.
Bên cạnh giải pháp trước mắt như vậy, đối với chương trình giai đoạn 2016-2020 sẽ tập hợp một loạt giải pháp quan trọng, góp phần cho chương trình bền vững hơn, hạn chế, khắc phục vấn đề nợ đọng. Ông có thể nói cụ thể hơn về các giải pháp này?
Ngày 17/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1980/QĐ-TTg về bộ tiêu chí cấp xã giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ủy ban nhân dân tỉnh quy định cụ thể các tiêu chí liên quan đến xây dựng cơ bản cũng như các tiêu chí về hạ tầng. Việc điều chỉnh linh hoạt bộ tiêu chí làm giảm yêu cầu đầu tư, tránh việc lạm dụng tiêu chí, chạy theo công trình.
Giải pháp thứ hai, trong việc xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, chúng ta phải xác định mục tiêu phù hợp với khả năng. Ví dụ, trước đây chúng ta đặt ra mục tiêu 20% về đích NTM, các địa phương đã máy móc áp dụng. Do vậy, giai đoạn 2016-2020, căn cứ vào mục tiêu Quốc hội giao 50% xã về đích NTM, Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao mục tiêu cụ thể phù hợp với từng vùng. Việc giao mục tiêu sẽ căn cứ hoàn toàn vào khả năng huy động nguồn lực và thực tế xây dựng NTM, tránh được việc gây áp lực về đích.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước cam kết cho chương trình tăng lên rất nhiều. Trước đây, giai đoạn 1 chỉ có 16.500 tỷ đồng thì giai đoạn 2 cam kết 63.155 tỷ đồng, gấp 3,8 lần. Tại cuộc họp toàn quốc vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cam kết ngoài nguồn vốn Quốc hội đã bố trí, Chính phủ sẽ tìm các nguồn lực khác, kể cả đi vay của các tổ chức tài chính quốc tế để bổ sung cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Điều này không chỉ tạo ra “lực hút” cũng như “vốn mồi” để thu hút được nguồn lực khác đầu tư vào xây dựng NTM, mà còn giúp lành mạnh hóa hơn tình hình tài chính cũng như nguồn lực cho xây dựng NTM….
Ngoài ra, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc quy trình thẩm định dự án, kiểm tra giám sát, kể cả của cơ quan thực hiện chương trình, bộ, ngành, kịp thời chấn chỉnh nếu địa phương nào có biểu hiện nợ đọng sẽ xử lý kịp thời ngay, không làm nợ đọng tăng lên hoặc kéo dài.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến đầu năm 2016, số nợ đọng xây dựng NTM là hơn 15.000 tỷ đồng, trong đó 3 khu vực nợ cao nhất là đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, miền núi phía Bắc. Một số địa phương có nợ đọng lớn như Bắc Ninh trên 1.600 tỷ đồng, Thanh Hóa hơn 1.500 tỷ đồng, Thái Bình khoảng 1.200 tỷ đồng, Vĩnh Phúc hơn 900 tỷ đồng. |