Giảm lãi suất điều hành: Quyết định “đi trước, đón đầu” trong điều hành chính sách
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành từ ngày 13/5 Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm các lãi suất điều hành Ngân hàng Nhà nước: Giảm 0,5%/năm với lãi suất cho vay ngắn hạn |
Kể từ ngày 15/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức chỉnh giảm 1% đối với một số loại lãi suất điều hành và giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
“Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” - Ngân hàng Nhà nước thông tin và cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Sau khi lãi suất điều hành giảm, lãi suất thị trường liên ngân hàng khả năng sẽ được điều tiết giảm dần |
Đánh giá về động thái giảm lãi suất điều hành của ngân hàng nhà nước, các chuyên gia cũng cho rằng, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ. Đây có thể là phản ứng đón đầu của Ngân hàng Nhà nước sau khi 3 ngân hàng sụp đổ tại Mỹ, mà một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do lãi suất tăng khiến họ phải bán trái phiếu với giá thấp hơn giá họ mua vào rất nhiều dẫn đến khoản lỗ khổng lồ. Sự kiện này được nhìn nhận sẽ khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) “chùn tay” trong phiên họp ngày 23/3 tới và tốc độ tăng lãi suất của Fed nhiều khả năng sẽ chậm lại.
Về mức giảm, theo các chuyên gia, quy định này cho phép các ngân hàng vẫn có thể duy trì lãi suất huy động ở mức hấp dẫn để thu hút người gửi tiền, đảm bảo tính thanh khoản, nhất là trong bối cảnh áp lực nợ xấu gia tăng. Tác động tới nền kinh tế, đối với người dân và doanh nghiệp, nếu lãi suất huy động ngân hàng tiếp tục duy trì 9-10% thì rất khó để người dân chuyển tiền qua kênh đầu tư khác, họ sẽ ưu tiên phân bổ vốn nhàn rỗi vào tiền gửi và tiết kiệm, doanh nghiệp khó huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup cho rằng, việc giảm lãi suất chính sách có phần đón đầu và dứt khoát này thể hiện Ngân hàng Nhà nước đã chính thức xác nhận việc bắt đầu quay trở lại với xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, không gian giảm lãi suất tiếp tục của Ngân hàng Nhà nước là không nhiều bởi trước đó Việt Nam đã duy trì một nền lãi suất rất thấp và mới chỉ tăng 2% trong đợt tăng lãi suất vừa qua.
Ông Báu dự báo, sau khi lãi suất điều hành giảm, lãi suất thị trường liên ngân hàng khả năng sẽ được điều tiết giảm dần, bình quân khoảng 0,5 -1 điểm %. Trong khi đó, lãi suất huy động sẽ ít chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi lãi suất điều hành nhưng với bối cảnh thanh khoản như hiện tại, xu hướng giảm sẽ vẫn tiếp tục, kỳ vọng đến giữa năm 2023 lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại cổ phần lớn có thể về quanh mức 7-7,2%/năm.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhận định: 2 lãi suất quan trọng là lãi suất tái cấp vốn và lãi suất qua đêm được giảm, đây là mức giảm khá mạnh từ trước đến nay, tuy nhiên việc giảm lãi suất điều hành mới chỉ tác động trên hệ thống liên ngân hàng, lãi suất điều hành không phải lãi suất thương mại, chính vì thế để lãi suất liên ngân hàng tác động lên thị trường 1 cần có thời gian.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định, điều chỉnh giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ giảm áp lực tài chính, áp lực lãi suất đối với doanh nghiệp, đối với người dân, nhất là những người đi vay, đặc biệt là vay ngắn hạn. Việc đưa ra tín hiệu hạ lãi suất cũng sẽ giúp cho tăng niềm tin, tăng kỳ vọng thời gian tới lãi suất có thể sẽ còn tiếp tục giảm. Qua đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân sẵn sàng “xuống tiền” đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng nhiều hơn, qua đó, góp phần hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh có nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý, mặc dù điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành nhưng cũng không nên chủ quan với lạm phát bởi áp lực đối với lạm phát vẫn còn khá lớn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động. Bên cạnh đó, việc phối hợp chính sách tài khóa và tiền tệ cần phải tốt hơn, hiệu quả hơn nữa để đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất, đồng thời vẫn kiểm soát được lạm phát phù hợp để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế vĩ mô cũng như là phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
“Chính phủ cần quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt đối với các lĩnh vực trọng điểm như: đất đai, bất động sản, xây dựng, đấu thầu… để thực sự hỗ trợ doanh nghiệp vì hiện nay doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến pháp lý. Đây cũng là một rào cản rất lớn và nếu tháo gỡ được những chuyện như thế này thì mới đảm bảo tính đồng bộ về tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về môi trường kinh doanh cũng như về mặt bằng lãi suất” - TS. Lực đề nghị.