Giải pháp trọng tâm thúc đẩy xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng
Tận dụng thời cơ từ các FTA, thúc đẩy xuất khẩu những tháng cuối năm 5 tháng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 15% so với cùng kỳ |
Tập trung thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu lớn
Theo nhận định của Bộ Công Thương, năm 2023 có thể coi là giai đoạn khó khăn nhất đối với xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây. Nền kinh tế của chúng ta có độ mở lớn và do đó chịu tác động mạnh mẽ của những biến động của kinh tế, chính trị thế giới và sự sụt giảm tổng cầu.
Bước sang năm 2024, chúng ta có niềm tin vào một kết quả khả quan hơn. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra những thông điệp rõ ràng hơn về cắt giảm lãi suất trong năm 2024 để thúc đẩy tăng trưởng và tiêu dùng. Vấn đề hàng tồn kho cao tại các thị trường trọng điểm đang dần được khắc phục.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước. Ảnh minh họa |
Về ngoại giao song phương, Việt Nam cũng mới nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai với Trung Quốc.
Trong nước, các giải pháp mà Chính phủ và các bộ, ngành tổ chức thực hiện trong thời gian qua đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã chủ động, linh hoạt, nâng cao sức chống chịu với các biến động bất ngờ của môi trường thương mại toàn cầu.
Việc các doanh nghiệp đa quốc gia đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư đã giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Về tình hình xuất khẩu, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%.
Bên cạnh những tín hiệu sáng, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Một vài nền kinh tế lớn đi vào suy thoái kỹ thuật như Anh và Nhật Bản. Bất động sản thương mại toàn cầu đi vào giai đoạn khó khăn khi nhiều khoản nợ đến hạn tái cấu trúc. Những yếu tố đột xuất, bất ngờ như dịch bệnh, thiên tai vẫn tiềm ẩn rủi ro phát sinh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, xu hướng “phi toàn cầu hoá” đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Việc các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.
"Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế trong nước, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu. Theo đó, Chính phủ cũng như các bộ ngành cần có các giải pháp quyết liệt hơn thúc đẩy thị trường xuất khẩu bền vững" - chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói.
Để thúc đẩy xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới, với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đang định hướng ưu tiên thúc đẩy xuất khẩu. Cụ thể, về mặt hàng xuất khẩu, trước mắt năm 2024, tập trung thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng xuất khẩu lớn đang có triển vọng phục hồi sau khó khăn trong năm 2023 như dệt may, da giày, túi xách thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ,...
Về thị trường xuất khẩu, một mặt tiếp tục khai thác, mở rộng thị phần tại các thị trường xuất khẩu truyền thống, đối tác của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA); mặt khác xây dựng phương án tiếp cận các thị trường mới như thị trường Nam Á, Trung Đông, thị trường châu Phi, Nam Mỹ.
Giải pháp trọng tâm
Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Thứ nhất, các đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục kịp thời thông tin với các doanh nghiệp xuất khẩu, các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ hai, tính đúng đắn của chủ trương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đã được khẳng định đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 cũng như giai đoạn một số thị trường xuất khẩu chủ lực gặp khó khăn vừa qua. Ngoài các FTA đã ký kết giúp mở ra các khu vực thị trường rộng lớn, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán 3 FTA với các khu vực thị trường mới. Công tác tổ chức thực thi, đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp về các ưu đãi của các FTA tiếp tục được quan tâm, đổi mới.
Thứ ba, tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.
Thứ tư, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Thứ năm, phát triển dịch vụ logistics tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh; tập trung hoàn thiện xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.
Thứ sáu, tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch, điều hành, nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đặc biệt, trong thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị các Đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục một số công tác phối hợp, hỗ trợ thúc đẩy xuất nhập khẩu. Cụ thể, các cơ quan cần tiếp tục chủ động cập nhật thông tin về tình hình thị trường ngoài nước, bao gồm thay đổi chính sách thương mại của các nước, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện, của thị trường nước ngoài cũng như cảnh báo sớm về các vụ kiện phòng vệ thương mại có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Về công tác xúc tiến xuất khẩu, các cơ quan đại diện tiếp tục nghiên cứu, kết nối cung cầu hàng hóa xuất khẩu của ta với thị trường ngoài nước tiến tới xây dựng hồ sơ thị trường và ngành hàng, trong đó xác định các mặt hàng tiềm năng và các yêu cầu của thị trường, danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa Việt Nam.
Hỗ trợ làm việc với cơ quan chức năng sở tại để thúc đẩy điều chỉnh và hạn chế việc áp dụng các biện pháp/chính sách hạn chế nhập khẩu gây ảnh hưởng đến hoạt động thương mại giữa Việt Nam và nước sở tại; Hỗ trợ trong việc triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA.
Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tiếp tục hỗ trợ mở mới thương vụ/chi nhánh thương vụ tại một số địa bàn có tiềm năng thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Bổ sung biên chế cán bộ cho hệ thống thương vụ địa bàn trên; mở mới các Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại các nước, thị trường trọng điểm, thị trường có tiềm năng phát triển quan hệ kinh tế, thương mại với Việt Nam.
Bộ Tài chính xem xét bổ sung kinh phí để triển khai hoạt động xúc tiến thương mại tại địa bàn sở tại và tiếp cận các nguồn cơ sở dữ liệu về kinh tế, thông tin, chính sách và luật, quy định về thương mại và đầu tư cập nhật, chính xác của các nước trong khu vực và trên thế giới;
Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế cho phép thuê, sử dụng nhân viên bản địa để đảm nhận công việc hành chính, hỗ trợ công tác nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, thông qua đó có thể tăng cường nguồn lực, hiệu quả cho các thương vụ đồng thời tiết kiệm kinh phí nhà nước (kinh nghiệm của một số nước là sử dụng nhân viên bản địa nhiều hơn từ trong nước cử sang).