Giải pháp số hóa để tháo gỡ vướng mắc trong hoàn thuế giá trị gia tăng
Việc hoàn thuế giá trị gia tăng chậm trễ đang trở thành nỗi “ám ảnh” của nhiều doanh nghiệp Việt. Thiếu hụt dòng tiền kéo dài gây ra những khó khăn chồng chất, đe dọa đến sự tồn tại của không ít doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc giải quyết kịp thời các vướng mắc trong thủ tục hoàn thuế là một yêu cầu cấp thiết.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ là do nhiều thủ tục hành chính, yêu cầu giấy tờ rườm rà, gây tốn kém thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Quá trình xét duyệt hồ sơ còn nhiều bất cập, thiếu tính minh bạch, gây tâm lý lo lắng cho doanh nghiệp. Việc số hóa trong lĩnh vực thuế còn chậm, nhiều thủ tục vẫn được thực hiện thủ công, gây ra nhiều sai sót và mất thời gian.
Việc giải quyết kịp thời các vướng mắc trong thủ tục hoàn thuế là một yêu cầu cấp thiết. Ảnh: TCT |
Ở Việt Nam, chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng đã được quy định từ lâu trong pháp luật thuế. Hiện Bộ Tài chính đề xuất 4 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi và vẫn đang được lấy ý kiến. Tuy nhiên qua ghi nhận vẫn có thể thấy còn rất nhiều vướng mắc. Trong đó, chính sách thuế giá trị gia tăng với những hạn chế phát sinh trong thực tế, nổi cộm là quy trình và thời gian hoàn thuế đang gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Thực tế cũng cho thấy, tại hội nghị gần nhất của Tổng Cục thuế với doanh nghiệp ở 5 tỉnh phía Nam mới đây, các doanh nghiệp có hàng trăm tỷ đồng bị treo chưa được hoàn đã “kêu ca” về những bất cập. Ứng dụng số hóa triệt để sẽ giúp ngành thuế giải quyết nhanh chóng tình trạng chậm trễ trong thực hiện chính sách hoàn thuế này.
Ở một số quốc gia trên thế giới, như Hàn Quốc đã thành công trong việc áp dụng công nghệ vào quản lý thuế, đặc biệt là trong lĩnh vực hoàn thuế giá trị gia tăng. Việc triển khai hoàn thuế điện tử và các hệ thống thông tin liên thông đã giúp Hàn Quốc giảm thiểu gian lận thuế, tăng cường tính minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Việt Nam cần nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc để xây dựng một hệ thống hoàn thuế hiện đại, hiệu quả.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia phát triển đã xây dựng hệ thống đánh giá rủi ro dựa trên lịch sử tuân thủ thuế của doanh nghiệp. Mô hình này hoạt động tương tự như hệ thống CIC của ngân hàng, phân loại doanh nghiệp thành các nhóm rủi ro khác nhau.
Mô hình này với nhiều ưu điểm như doanh nghiệp có hồ sơ sạch sẽ sẽ được ưu tiên xử lý nhanh chóng, giảm thiểu thời gian chờ đợi. Giảm thiểu chi phí kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp có rủi ro thấp. Tập trung nguồn lực vào các doanh nghiệp có rủi ro cao, giảm thiểu tình trạng gian lận thuế.
Hơn nữa, để minh bạch và công bằng cơ quan quản lý nên công khai quy trình và thời hạn xử lý hồ sơ hoàn thuế trên nền tảng của mình, cập nhật liên tục, có thông báo số cho doanh nghiệp, cá nhân. Việc này giúp các doanh nghiệp nắm bắt được tiến độ hồ sơ, có thể lên kế hoạch tài chính tốt hơn. Song song việc đặt thời hạn về hoàn tất nghĩa vụ thuế, thì cơ quan thu thuế cũng đặt ra một khung thời gian cụ thể cho xử lý hồ sơ hoàn thuế. Doanh nghiệp qua đó cũng chủ động hơn về nguồn vốn, không bị động, đặc biệt là trong các ngành có tỷ lệ hoàn thuế cao như xuất khẩu.
Tương tự, đối với các đối tượng nợ thuế, thay cho công khai danh sách định kỳ của các cục thuế đang làm, việc cần thiết hơn là nên xây dựng hệ thống nhắc nợ thuế, chế tài đối với nợ thuế tự động để cá nhân, doanh nghiệp nợ thuế nắm bắt nghĩa vụ và thực thi; giảm thiểu thực hiện các chế tài không cần thiết và không tạo thuận lợi cho người nộp thuế như vừa qua.
Những cơ chế hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu sẽ giúp khuyến khích thương mại quốc tế. Tương tự là chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho du khách, giúp thúc đẩy du lịch và tiêu dùng. Việc cải thiện các hệ thống hoàn thuế, giảm bớt gánh nặng hành chính và trả đúng quyền lợi cho các doanh nghiệp, người dân, không chỉ tiếp sức, còn kích thích động lực phát triển tạo nguồn thu, đóng thuế. Đó cũng chính là phương thức tốt nhất để thực hiện phương châm của ngành thuế “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”.
Cuối cùng, vẫn phải nhấn mạnh thêm chương trình chuyển đổi số quốc gia của chính phủ là đơn giản thủ tục hành chính và hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng được giải quyết những công đoạn rườm rà phức tạp , phiền hà dẫn đến ảnh hưởng đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay. Ngành thuế đang được chờ đợi thể hiện vai trò đi đầu thực thi chương trình.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn “Trong những năm qua, với mục tiêu và phương châm “lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, ngành Thuế luôn nỗ lực, chú trọng đẩy mạnh cải cách thể chế chính sách thuế, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế. Đồng thời, cung ứng các dịch vụ thuế điện tử và công cụ hỗ trợ tối đa giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế thuận lợi.”
Việc xây dựng hệ thống đánh giá rủi ro và minh bạch hóa quy trình là những giải pháp quan trọng để hoàn thiện cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam. Bằng cách áp dụng các biện pháp này, chúng ta có thể tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế.