Đánh thuế bất động sản thứ hai để tiết chế thị trường nhưng cần đong đếm lợi ích người dân
Nhiều ý kiến trái chiều
Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ báo cáo về nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng cao. Theo đó, Bộ đã đề xuất nghiên cứu và áp dụng chính sách thuế đối với những cá nhân sở hữu nhiều bất động sản nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại để kiếm lời trong thời gian ngắn.
Đề xuất này của Bộ Xây dựng đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận và giới chuyên gia. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra xung quanh vấn đề này.
Trả lời phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế chia sẻ: “Ở nhiều nước trên thế giới có đánh thuế bất động sản, hay thuế với nhà ở sở hữu thường dựa vào diện tích, vị trí, giá trị mà họ không đánh thuế nhà thứ 2. Đặc thù của nhà đất, bất động sản của nhà đất cần tính đến được sử dụng cho mục đích gì, đó mới là tư duy của chính sách. Nếu chỉ có một nhà giá trị rất lớn nhưng chỉ có ở thôi không làm gì hoặc có nhiều nhà nhưng giá trị chẳng bao nhiêu, ví dụ nhà ở vùng sâu, vùng xa hoặc có hai nhà, nhưng một nhà ở quê, một nhà ở thành phố, tất cả những trường hợp đó đều phải đặt lên bàn để nghiên cứu cân nhắc.”
Liệu việc áp thuế bất động sản thứ hai có thực sự giải quyết được vấn đề đầu cơ, hay chỉ là một giải pháp tình thế? Ảnh: Nguyễn Hương |
Trả lời Báo Công Thương, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nêu ý kiến: “Để đánh giá đề xuất này có hiệu quả hay không thì còn phụ thuộc vào lợi ích và hạn chế nếu đề xuất này được áp dụng”.
Theo quan điểm của nhiều người dân, ngôi nhà là một tài sản lớn, thậm chí là tài sản quý giá nhất mà nhiều gia đình Việt Nam tích lũy được sau cả đời làm việc. Việc mua thêm một căn nhà, đặc biệt là để dành cho con cái, thường là một mục tiêu mà nhiều gia đình hướng tới. Do đó, việc áp thuế lên những căn nhà thứ hai có thể gây ra những khó khăn không nhỏ cho người dân.
Cô Vũ Hồng (Đống Đa – Hà Nội) chia sẻ: "Đánh thuế bất động sản thứ hai cần phải được cân nhắc rất kỹ. Bởi vì, không phải ai sở hữu nhiều bất động sản cũng đều là người đầu cơ. Như người lớn tuổi như cô, mua nhà thứ hai với mục đích cho thuê tích lũy hoặc để dành cho con cái khi xây dựng gia đình riêng. Việc áp thuế một cách chung chung có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống và kinh tế của gia đình".
“Việc đánh thuế để tiết chế thị trường bất động sản đang tăng giá là cần thiết, nhưng cũng phải có những tiêu chuẩn cụ thể về diện tích nhà, đất sở hữu. Diện tích được miễn thuế cụ thể theo mét vuông, chứ đừng áp theo kiểu đánh đồng nhà thứ hai là đánh thuế. Theo tôi, nên áp dụng định mức cụ thể cho mỗi đầu người và diện tích tối đa cho một hộ gia đình, ai vượt quá mới bị áp thuế” - cô Hoàng Phong (Thanh Xuân – Hà Nội) nêu quan điểm.
Cần có cơ chế đánh thuế hợp lý
Chia sẻ thêm, luật sư Bình cho biết: "Về mặt lợi ích là tăng nguồn thu ngân sách từ thuế. Việc đánh thuế như này đã được thực hiện ở một số quốc gia trên thế giới như Singapore, Hàn Quốc, Mỹ... với nhiều tín hiệu khả quan. Với đề xuất này, Nhà nước sẽ có được nguồn thu thuế tương đối, ổn định; qua đó đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách, dự án phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh sau này".
Tiếp theo là tránh lãng phí tài nguyên đất. Đề xuất này giúp việc sử dụng các bất động sản trở nên hiệu quả hơn, nhất là với những thửa đất bị bỏ hoang, chưa được sử dụng. Các chủ sở hữu bất động sản có thể bán ngay chúng cho người có nhu cầu sử dụng bất động sản để tránh bị đánh thuế. Cuối cùng là hạn chế đầu cơ, trục lợi; đảm bảo thị trường bất động sản được minh bạch và bền vững. Với đề xuất này, việc các chủ đầu tư mua đi bán lại bất động sản để trục lợi sẽ bị hạn chế, từ đó giảm thiểu được các gian lận, vi phạm trong giao dịch bất động sản.
"Tuy nhiên, cũng có nhiều mặt hạn chế về nhu cầu sở hữu bất động sản. Không chỉ riêng các nhà đầu tư, một số gia đình muốn sở hữu bất động sản để kinh doanh, để dành cho con cháu. Nếu đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên thì người dân sẽ e ngại, không dám mua thêm bất động sản. Tiếp nữa, việc đánh thuế bất động sản thứ hai trở lên có thể đẩy giá bất động sản tăng lên. Điều này có thể khiến người dân khó khăn hơn, không chỉ trong giao dịch bất động sản mà còn là thắt chặt chi tiêu trong tiêu dùng hằng ngày. Từ đó, có thể kìm hãm sự phát triển của thị trường bất động sản trong nước, thậm chí là nền kinh tế nói chung" - ông Bình chia sẻ.
Từ quan điểm đó, việc sở hữu nhiều bất động sản có thể mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Việc áp thuế một cách chung chung đối với những người sở hữu nhiều bất động sản có thể làm giảm động lực đầu tư và gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Theo đó, thay vì chỉ dựa trên số lượng bất động sản, nhiều chuyên gia đề xuất nên có một cơ chế đánh thuế linh hoạt hơn, dựa trên các yếu tố như diện tích, giá trị của ngôi nhà và mục đích sử dụng. Việc này sẽ giúp phân biệt rõ ràng giữa những người đầu cơ và những người mua nhà để ở, từ đó đưa ra mức thuế phù hợp.
Việc áp thuế bất động sản thứ hai cũng có thể gây ra những tác động nhất định đến thị trường bất động sản. Nếu mức thuế quá cao, có thể làm giảm nhu cầu mua nhà, đặc biệt là đối với những người có thu nhập trung bình. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở và làm giảm sự phát triển của thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, để đưa ra được một chính sách hiệu quả, cần có sự tham vấn rộng rãi từ các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân. Liệu việc áp thuế bất động sản thứ hai có thực sự giải quyết được vấn đề đầu cơ, hay chỉ là một giải pháp tình thế? Làm thế nào để có thể cân bằng giữa việc hạn chế đầu cơ và khuyến khích đầu tư vào bất động sản? Đây là những câu hỏi cần được các nhà hoạch định chính sách trả lời trong thời gian tới.