Tìm giải pháp khắc phục tình trạng doanh nghiệp ''than'' vì phải chờ đợi được hoàn thuế
Giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp Các doanh nghiệp ngành sản xuất công nghiệp nỗ lực mở rộng sản xuất Sàn thương mại điện tử hoàn toàn đủ điều kiện khai, nộp thuế thay người bán |
Câu chuyện chậm hoàn thuế không còn là vấn đề mới. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng phản ánh về tình trạng chậm trễ trong việc hoàn thuế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế địa phương đẩy mạnh giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng. Ảnh: TCT |
Đại diện Công ty TNHH Một thành viên Sigma (Long An), phản ánh việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với doanh nghiệp nước ngoài rất chậm. Thậm chí chậm hơn so với cách làm bằng giấy, trong khi Tổng cục Thuế nói đã chuyển đổi số, có dữ liệu trên hệ thống, giúp đoanh nghiệp làm thủ tục dễ dàng hơn.
"Tổng cục Thuế cần phân loại hồ sơ hoàn thuế luồng xanh, vàng, đỏ như hải quan; công tác hậu kiểm cũng rất lâu, nên hoàn thuế trước và hậu kiểm sớm. Sau khi hoàn, nếu khi hậu kiểm phát hiện sai sót thì có thể truy thu hoàn ngay. Doanh nghiệp rất cần tài chính quay vòng để sản xuất kinh doanh" - đại diện Công ty Sigma nêu.
Đại diện Công ty TNHH Saigon PTS (xuất khẩu về gốm sứ) cho biết, hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp này kỳ từ tháng 4/2021 đến tháng 6/2022 đã được xác minh nhưng do vướng mắc ở việc xác định tỷ lệ khoáng sản nên cơ quan thuế TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa xử lý. Nếu doanh nghiệp phải chờ đến khi tất cả hơn 20 nhà cung cấp ở các địa phương xác định được tỷ lệ khoáng sản theo quy định thì mất 3-5 năm.
"Doanh nghiệp có đầy đủ hóa đơn, hợp đồng mua bán hợp pháp với các nhà máy, có thanh toán qua ngân hàng với các chứng từ thanh toán hợp lệ; chứng từ hải quan đầy đủ… Chúng tôi mong chờ Tổng cục Thuế có hướng dẫn để cơ quan thuế địa phương có hướng giải quyết sớm hơn" - đại diện Công ty TNHH Saigon PTS kiến nghị.
Thông tin về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành đã có những chia sẻ thẳng thắn tại Hội nghị đối thoại với 300 doanh nghiệp thuộc 5 tỉnh thành phía Nam TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An ngày 27/9 về những khó khăn hiện tại của ngành thuế và cam kết sẽ có những giải pháp mạnh mẽ để cải thiện tình hình.
Một trong những nguyên nhân chính gây ra những vướng mắc trong việc thực hiện chính sách thuế là do một số văn bản pháp luật còn chưa rõ ràng, dẫn đến việc áp dụng thực tế gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến cho doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Các vấn đề khác như hóa đơn, hoàn thuế, thuế thu nhập cá nhân… tạo ra nhiều lo lắng cho người nộp thuế.
"Nhưng doanh nghiệp xuất hóa đơn mà không nộp thuế thì sao có thể hoàn? Chính vì vậy, cơ quan thuế mong muốn nhận được sự thấu hiểu và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp đối với những thách thức cơ quan thuế đang phải đối mặt trước thực trạng gian lận về hóa đơn, về hoàn thuế", ông Thành chia sẻ.
Với ý kiến nhận định của doanh nghiệp về việc hoàn thuế điện tử chậm hơn hoàn thuế giấy trước kia, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cũng nhìn nhận từ khi chuyển sang hồ sơ điện tử, doanh nghiệp không phải tới cơ quan thuế nhưng quá trình xử lý thì lại chậm hơn.
Theo ông Thành, từ khoảng năm 2022 ngành thuế có đột phá lớn về hiện đại hóa công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hệ thống hóa đơn điện tử được đón nhận. Có điều, thông qua hệ thống này, cơ quan thuế đã phát hiện có tình trạng mua bán hóa đơn điện tử! Những hóa đơn này đi vào hồ sơ hoàn thuế, vào hóa đơn của những doanh nghiệp muốn chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước.
Hiện cơ quan thuế và cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, xử lý vấn đề liên quan. Do đó, cùng với nỗ lực giải quyết vướng mắc, bất cập về hoàn thuế điện tử, Tổng cục Thuế đề nghị doanh nghiệp cùng nêu cao trách nhiệm.