Giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%: Cả ngân hàng lẫn khách hàng đều than vướng
Khảo sát thực tế cho thấy, nguyên nhân khiến gói hỗ trợ này giải ngân chậm là do vướng mắc cả từ phía ngân hàng, lẫn khách hàng vay vốn.
Doanh nghiệp, ngân hàng đều than vướng
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Hà Lan - một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Vĩnh Phúc cho hay, cách đây 3 tháng, doanh nghiệp này đã được Ngân hàng Agribank thông báo thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất 2% và hướng dẫn hoàn tất thủ tục để được nhận chính sách hỗ trợ.
“Do công ty có chứng từ chuẩn chỉnh, ngân hàng lại hướng dẫn chi tiết, nên chúng tôi đã được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% trên tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, giá nguyên liệu tăng 20%, trong khi giá thành phẩm không thể tăng tương ứng. Gói hỗ trợ lãi suất 2% đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí, không bị rơi vào thua lỗ”, ông Hòa nói.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn tiếp cận được gói hỗ trợ lãi suất 2%. Ông Nguyễn Văn Truyền, Giám đốc Công ty Famous Vina (Phú Thọ) cho biết, đối với doanh nghiệp ông, tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất “chỉ nằm trong mơ”.
Theo khảo sát tại một số doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã (HTX) không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vướng mắc rất đa dạng. Có doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Có hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp, song không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì lý do tỉnh đó chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp. Có HTX đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu của Bộ Tài chính, mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, hợp đồng mua bán…
Lãnh đạo một ngân hàng Thương mại cổ phần cho hay: “Chúng tôi đã hướng dẫn các chi nhánh rà soát, thông báo với các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất, hướng dẫn thủ tục, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn cũng như phục vụ kiểm tra giám sát sau này, song vướng mắc rất đa dạng. Có khách hàng ở nông thôn khi hướng dẫn phải có hóa đơn đỏ mới được hỗ trợ lãi suất 2%, thì đã từ chối, bởi để được hỗ trợ 2% lãi suất, họ phải mất thêm 10% chi phí thuế VAT”, vị lãnh đạo này nói.
Thúc giải ngân, song không hạ chuẩn
Theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, đến nay, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.100 tỷ đồng, với gần 550 khách hàng; số tiền lãi đã hỗ trợ cho khách hàng đạt 1,02 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 3.966 tỷ đồng.
Ngoài các vướng mắc nêu trên, theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân chính khiến khách hàng vay vốn e ngại tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% là tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại, nhưng không đăng ký hộ kinh doanh, nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Về phía ngân hàng thương mại, một số ngân hàng có tâm lý e ngại do một số chương trình hỗ trợ lãi suất đã triển khai trước đây, nhưng đến giờ vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ khách hàng. Trong khi đó, công tác xây dựng hệ thống tự động để theo dõi, hạch toán, quản lý dữ liệu báo cáo nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu trong công tác thanh, quyết toán, kiểm toán cũng là nguyên nhân khiến quá trình giải ngân gói hỗ trợ bị chậm.
Đại diện nhiều ngân hàng thương mại cho biết thêm, room tín dụng hạn hẹp cũng là một trong các nguyên nhân khiến các ngân hàng giải ngân chậm gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Trước tình hình giải ngân gói hỗ trợ lãi suất hạn chế, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN để đốc thúc các ngân hàng tăng cường giải ngân. Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm các ngân hàng ban hành thêm điều kiện, thủ tục để gây khó khăn cho doanh nghiệp và sẽ xử lý kịp thời các trường hợp trốn tránh, từ chối hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất. Mặc dù vậy, Chỉ thị số 03/CT-NHNN cũng nêu rõ, các ngân hàng không hạ chuẩn, nới lỏng các điều kiện tín dụng trong quá trình cho vay hỗ trợ lãi suất.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất 2% có lợi cho doanh nghiệp, ai cũng muốn triển khai nhanh. Tuy nhiên, đây là tiền hỗ trợ từ ngân sách, nên chứng từ phải chặt chẽ. Nếu khách hàng không có hóa đơn đỏ, không có đủ chứng từ, thì ngân hàng không thể hỗ trợ.
“Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại không được từ chối các khách hàng đủ điều kiện, không gây thêm phiền hà cho khách hàng, chứ không phải hạ chuẩn cho vay. Do đó, khách hàng muốn được hỗ trợ lãi suất, thì đầu tiên phải hợp tác cung cấp đầy đủ chứng từ cho ngân hàng”, ông Hùng khuyến nghị.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, trước ngày 25/8/2022, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức hội nghị với các ngân hàng thương mại để phổ biến, giải đáp các vướng mắc liên quan đến chính sách và tạo tâm lý đồng thuận để thúc đẩy triển khai thực hiện chính sách trong cả nước; đồng thời tổng hợp các vướng mắc vượt thẩm quyền (nếu có) để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ theo quy định. Phó thủ tướng cũng yêu cầu thành lập các đoàn công tác do Ngân hàng Nhà nước chủ trì, với sự tham gia của các bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, khảo sát thực tế, nắm bắt tình hình triển khai tại các ngân hàng thương mại để kịp thời đôn đốc, giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chính sách. |