GDP quý I lập đỉnh 4 năm: Chưa vội mừng, thách thức luôn ''rình rập''
Kinh tế số đang chiếm tỷ trọng như thế nào trong GDP? Những kịch bản và điểm nhìn cho tăng trưởng GDP năm 2024 Thêm kịch bản tăng trưởng GDP 7% trong năm 2024 |
Tổng cục thống kê có đưa ra Báo cáo kinh tế - xã hội quý I/2024, trong đó nổi bật là tốc độ tăng trưởng quý I/2024 tăng 5,55% so với cùng kỳ năm 2023, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 (5,2 - 5,6%) và cũng là mức GDP quý I cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát năm 2020. Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Sang, kết quả này cũng chưa đạt đến điểm tăng trưởng cùng kỳ trước đại dịch năm 2019. Song, nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu trên đà phục hồi.
GDP cả nước quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước |
Công nghiệp vẫn là khu vực trọng điểm
Điểm sáng trong bản báo cáo này là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68% (riêng công nghiệp tăng 6,18%, đóng góp 2,02 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế), cao hơn nhiều so với kịch bản cao 5,5% đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,97%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,99%; riêng ngành khai khoáng giảm 5,84%.
Ông Lê Xuân Sang cũng phân tích, sự tăng trưởng của khu vực này nhờ công rất lớn của tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam là Samsung Electronics. Trước đó năm 2023, Samsung đã bổ sung đầu tư 1,2 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 22,4 tỷ USD. Samsung cũng dự kiến tiếp tục đầu tư thêm 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam. “Tuy nhiên, việc phục hồi có tính công nghiệp bền vững cần quan sát thêm trong dài hạn”, chuyên gia cảnh báo.
Những khu vực khác vẫn chưa thực sự tạo ấn tượng
Bên cạnh sự khởi sắc của khu vực công nghiệp, cũng phải nhìn nhận rằng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt mức 2,98%, chưa đạt kỳ vọng trong kịch bản đề ra là 3,0%. Chi tiết hơn, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2024 tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,08% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,46%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm.
Tuy vậy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản quý I đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ. Trong đó, cà phê 1,9 tỷ USD (tăng 44,4%); gạo 1,37 tỷ USD (tăng 12%); rau quả 1,23 tỷ USD (tăng 25,8%)… Đây vẫn là một dấu hiệu tích cực cho thấy tình hình xuất khẩu thực phẩm khả quan và mở đường cho giao thương rộn ràng trở lại sau đại dịch. Nhưng để tối ưu được điều đó, lĩnh vực logistic của Việt Nam cần cải thiện hơn rất nhiều mới có thể hỗ trợ người dân trong quá trình vận chuyển, và ngược lại từ phía các tiểu thương và doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn hơn, chủ động hơn trong việc tìm và kết nối đối tác nước ngoài. Cùng với đó, cần có các phương pháp chế biến, bảo quản và vận chuyển chuyên nghiệp hơn. Từ đó mới dễ dàng đi sâu vào nội địa nước bạn tiếp cận được với nhiều doanh nghiệp lớn không chỉ dừng lại ở những tiểu thương nhỏ lẻ vùng biên.
Cuối cùng là khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng 6,12%, vẫn thấp hơn mức tăng kịch bản tăng trưởng là 6,3 - 6,5%. Việc tăng trưởng này bắt nguồn nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch khiến các hoạt động thương mại diễn ra sôi động, du lịch phục hồi mạnh mẽ, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực tăng cao. Đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế quý I năm nay như sau: Ngành vận tải kho bãi tăng 10,58% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,68 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 8,34%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 6,94%, đóng góp 0,76 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,2%, đóng góp 0,32 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 4,14%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm.
Ở đây, ông Sang cho rằng, bất động sản là một lĩnh vực chưa bền vững, mặc dù thời gian qua có dấu hiệu phục hồi sau đại dịch, có sự tăng trưởng nóng, làm ấm lên nền kinh tế, tuy nhiên lại không có sự đầu cơ nổi bật, thậm chí phát sinh nợ xấu.
Về khu vực doanh nghiệp, tính chung quý I/2024, cả nước có hơn 36,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 332,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 258,8 nghìn lao động, tăng 6,9% về số doanh nghiệp, tăng 7% về vốn đăng ký và tăng 21,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Nhưng cũng trong quý này, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 53,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước; hơn 15,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,7%; 5,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 10,1%. Bình quân một tháng có gần 24,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Thách thức vẫn đang rình rập
Tuy chỉ số GDP của Việt Nam so với cùng kỳ năm trước đang ở mức cao so với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng đây cũng chưa phải mức độ tăng trưởng an toàn và Việt Nam vẫn không ngoại lệ bị ảnh hưởng từ các sự kiện căng thẳng địa chính trị trên thế giới.
Chuyên gia Lê Xuân Sang chia sẻ: “FED vẫn chưa hạ lãi suất, dẫn đến việc tỉ giá lãi suất trong nước vẫn chưa được cải thiện, tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, thể hiện sức hấp thu của các doanh nghiệp còn yếu, tuy nhiên sẽ dần tích cực vào các quý tiếp theo”
Cộng thêm việc căng thẳng chính trị diễn ra nhiều nơi trên thế giới cũng gây biến động nhiều đến tỷ giá ngoại tệ, giá vàng, giá xăng dầu,… ảnh hưởng lớn đến tất cả lĩnh vực trong nước và đặc biệt sẽ cản trở xuất khẩu của Việt Nam, từ đó các doanh nghiệp không đủ sức chống chọi tự đào thải và rút lui khỏi thị trường, vị này đặc biệt nhấn mạnh.
Ngoài ra, về vấn đề sử dụng vốn đầu tư công, trong quý I/2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ngay từ tháng đầu năm. Nhờ đó, tỷ lệ thực hiện vốn đầu tư công so với kế hoạch của quý I/2024 đạt 13,9%, cao nhất trong các quý I từ năm 2019 đến nay. Tuy nhiên, thực hiện nguồn vốn đầu tư công có tính mùa vụ, quý I thường thực hiện thấp nhất so với các quý trong năm, vì các bộ, ngành và địa phương cần tập trung phân giao kế hoạch vốn đến từng dự án, công trình đủ điều kiện; các dự án khởi công mới cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư.
Lý giải thêm về tình hình tăng trưởng GDP quý I, ông Sang cũng cho rằng, do ảnh hưởng bởi tết nên kết quả mới chỉ dừng ở mức này, dù sẽ còn nhiều khó khăn do yếu tố khách quan, nhưng chắc chắn trong quý II, quý III sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, nhiều gói hỗ trợ và kích thích kinh tế được tung ra, nền kinh tế sẽ sớm ổn định và phát triển bền vững.