Những kịch bản và điểm nhìn cho tăng trưởng GDP năm 2024
Nền kinh tế nhìn từ GDP Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024: Chuyên gia nhận định gì? Tạo đà thúc đẩy tăng trưởng GDP |
Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP và dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024. Kết quả dự báo theo nhóm chuyên gia của CIEM cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo kịch bản 1 và 6,48% trong kịch bản 2.
Cùng đó xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,02% trong kịch bản 1 và tăng 5,19% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 6,26 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2024 dự báo lần lượt ở mức 3,94% và 3,72%, theo ông Nguyễn Anh Dương, trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu của CIEM.
Tăng trưởng kinh tế năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo kịch bản 1 và 6,48% trong kịch bản 2. |
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, một yếu tố đáng chú ý của năm 2023 là công tác cải cách thể chế kinh tế có những chuyển biến quan trọng, đặc biệt đối với việc hoàn thiện khung chính sách cho kinh tế số, bước đầu hiện thực hoá một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế địa phươnng.
Nhờ đó, Việt Nam đã xử lý tương đối hiệu quả tác động của các diễn biến trên thị trường thế giới đối với tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn, đồng thời tiếp tục duy trì, củng cố niềm tin của cộng đồng của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
“Công tác cải cách thể chế cần tiếp tục được coi là một động lực tăng trưởng quan trọng cho năm 2024, bên cạnh các động lực tăng trưởng khác đã được xác định”, bà Minh nêu quan điểm.
Phân tích thêm, bà Trần Thị Hồng Minh cho rằng, thực tế cho thấy, Việt Nam không chỉ dựa vào các giải pháp tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà đã tạo dựng không ít động lực mới từ cải cách thể chế kinh tế.
Các động lực ấy đến từ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển các mô hình kinh tế mới, cải cách môi trường kinh doanh, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện quy hoạch và thể chế liên kết vùng. Chính phủ cũng đã nhìn nhận thẳng thắn, cầu thị về các vấn đề cần tháo gỡ, trong đó có tình trạng nợ đọng văn bản, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, khó khăn đối với hấp thụ vốn… để từ đó có những chỉ đạo, nghiên cứu tháo gỡ.
Trong khi đó, tại Diễn đàn thường niên lần thứ 16 “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2024” vừa diễn ra, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay cần thay đổi tư duy từ “tháo gỡ khó khăn” sang “tạo thuận lợi” cho nền kinh tế cũng như tăng trưởng, để từ đó rõ ra các động lực, các giải pháp làm xoay chuyển tình hình, rõ lối ra trong bối cảnh thế giới còn nhiều yếu tố bất định.
Còn theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, cần khai thác các động lực tăng trưởng mới mà điểm nhấn là đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là hướng dẫn thực hiện các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, các luật sửa đổi khác, cơ chế hỗ trợ trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…
"Cần sớm có khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh mới nhanh hơn, cơ chế thí điểm sandbox được chuẩn bị lâu quá. Bây giờ muốn phát triển khoa học công nghệ, muốn thử cái mới, phát triển mô hình mới phải có cơ chế thử nghiệm để làm", ông Lực lưu ý.
Liên quan đến kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2024, nhóm nghiên cứu của ông Cấn Văn Lực dự báo GDP trong năm tăng trưởng trong khoảng từ 6,0 đến 6,5%, tốc độ tăng CPI khoảng 3,5 đến 4%. Xuất khẩu dự kiến đạt từ 373 đến 380 tỷ USD (tăng từ 5 đến 7%), còn nhập khẩu dự kiến ở mức 337 đến 344 tỷ USD (mức tăng từ 3 đến 7%).
Ông Lực cũng lưu ý thêm cần chú ý các động lực tăng trưởng vốn đã phát huy tác dụng trong năm 2023 gồm kích cầu tiêu dùng, tiếp tục khai thác các lợi thế từ các FTA. Đồng thời, sớm xây dựng Đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo môi trường thông thoáng hơn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia…