Dung Quất: Đồi cát trắng thành thủ phủ thép - dầu
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: Tăng công suất lên 112%, giúp giảm áp lực nguồn cung xăng dầu trong nước |
Dung Quất ngày nào hoang vắng với cát trắng, phi lao và cỏ cháy nay đã thành Khu kinh tế tiên phong, điển hình trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những dự án tỷ USD
Kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2017 của nhiều cán bộ quản lý, các thành viên Ban giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Hải Dương được cắt ngắn. Họ được lệnh sắp xếp bộ máy, thành lập một đội quân tinh nhuệ nhất tiến về miền Trung. Danh sách điều động ban đầu là hơn 80 người, cả quản lý cấp cao và kỹ sư giàu kinh nghiệm ở các nhà máy, nhân viên văn phòng, kế toán, nhân sự... Điểm đến của họ là 1 bãi cát hoang ở Dung Quất với nhiệm vụ tạo nên khởi đầu mới của Hòa Phát và của Dung Quất.
Ông Đinh Văn Chung, Giám đốc Nhà máy chế biến nguyên liệu Thép Hòa Phát Hải Dương nay là Phó Giám đốc Thép Hòa Phát Dung Quất nhớ lại, nơi “đóng quân” khi đó là mảnh đất bỏ hoang rộng hàng chục ha tại Khu kinh tế Dung Quất. Giữa khoảng đất mênh mông ấy là di sản của 1 dự án trước đó phá sản, một khu văn phòng xiêu vẹo, không người lui tới. Vài chiếc cọc bê tông cắm chặt xuống lòng đất, trơ gan giữa nắng, gió và cát. Đó là dự án Nhà máy thép Guang Lian Dung Quất được tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện từ 2006, một dự án tỷ USD rất được kỳ vọng đó lại trở thành một thất bại, hơn 10 năm chờ đợi “nhà máy thép” vẫn là nơi chăn thả trâu bò.
Cuối cùng, Quảng Ngãi quyết định thu hồi giấy phép đầu tư và Hòa Phát được lựa chọn. Ngày 6/2/2017, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát được cấp chứng nhận đầu tư với công suất thiết kế ban đầu 4 triệu tấn/năm, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I gồm 2 triệu tấn thép dài xây dựng, giai đoạn II sản xuất 2 triệu tấn thép dẹt cán nóng mỗi năm.
Công trường thi công xuyên đêm - ngày, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đến thăm Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất đều giật mình về tiến độ xây dựng. Nhưng khi dự án đang băng về đích thì Covid-19 ập đến, chuyên gia nước ngoài không thể đến để lắp đặt dây chuyền. Một quyết định hiếm có được đưa ra: Hòa Phát quyết thuê riêng một đoàn tàu chỉ để chở hơn 130 chuyên gia chạy thẳng từ cửa khẩu Hữu Nghị về Dung Quất. Trước đó, 1 chuyến chuyên cơ cũng chở hàng chục chuyên gia Châu Âu nhập cảnh qua sân bay Đà Nẵng… Tất cả xuyên dịch đến Dung Quất vì tiến độ nhà máy là không thể dừng hay lui.
Thay vì mất 10 năm như các công ty thép trên thế giới, Hòa Phát chỉ mất 4 năm để hoàn thiện cơ ngơi có quy mô hơn 5 triệu tấn thép/năm. Tháng 1/2021, cả 4 lò cao của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động đồng bộ.
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long chia sẻ: Chúng tôi đã có kinh nghiệm 20 năm làm thép, mất 4 năm để làm dự án Hòa Phát Dung Quất giai đoạn I. Đội ngũ nhân lực làm thép của Hòa Phát đã được tôi luyện, đặc biệt sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) là công nghệ khó nhất mà chúng tôi đã làm chủ được kỹ thuật.
Nói đến Dung Quất, không thể không nói đến nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam - Dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất. Điểm khởi đầu cho hành trình 20 năm đổi thay Dung Quất như ngày hôm nay. Quyết định lựa chọn Dung Quất làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đã từng gây nhiều tranh cãi về hiệu quả kinh tế của dự án.
Kể từ khi đi vào hoạt động (năm 2009) đến nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có tổng doanh thu đạt trên 1,29 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước đạt trên 187,8 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 8,05 tỷ USD - gấp 2,68 lần tổng mức đầu tư dự án). Nhà máy này cung cấp hơn 30% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Một dự án khác nổi bật ở Dung Quất là Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Việt Nam. Nhà máy này sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia mang nhãn hiệu “Made in Vietnam” như: cẩu trục, nồi hơi, thiết bị thu hồi nhiệt, lọc nước biển thành nước ngọt,… được xuất khẩu đi 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Tụ về Dung Quất
Từ chỗ chỉ là vùng cát trắng, Khu kinh tế Dung Quất giờ là đại bản doanh các ngành công nghiệp nặng quy mô lớn: luyện cán thép, lọc hoá dầu và hoá chất, công nghiệp cơ khí, đóng và sửa chữa tàu biển…
Ban đêm, ánh đèn từ các nhà máy rực sáng cả một vùng. Vùng cát hoang đã thành khu kinh tế không ngủ. Dung Quất, 20 năm trước, người dân bỏ quê đi kiếm việc làm thì nay lại thành 1 cực hút lao động mọi miền tụ về đây lập nghiệp.
Đoàn Phú Quý, sinh năm 1993, quê ở huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi kể, năm 2017, khi biết nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng tại tỉnh Quảng Ngãi, Quý và một người bạn thân đã từ bỏ ý định vào Nam tìm việc và ứng tuyển. Hiện tại, cả 2 đã là người Dung Quất khi lập gia đình và chọn nơi đây an cư.
Còn Bùi Duy Tùng, sinh năm 1995, quê Yên Bái, Tốt nghiệp khoa kỹ thuật vật liệu – Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng quyết vào Dung Quất lập nghiệp. Tùng kể, ngày em vào Dung Quất, mẹ em lo lắng nên đi cùng và thực sự bất ngờ với sự phát triển ở đây. Cả nhà em yên tâm khi con trai chọn được vùng đất mới để lập nghiệp.
Nhiều người trong lứa nhân sự đầu tiên của các doanh nghiệp vào Dung Quất đã bén với nơi nay, họ đã bán nhà cửa để chuyển hẳn vào Dung Quất sống và làm việc. Nói như anh Hồ Đức Thọ, Phó Giám đốc Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất, đó là những người đã “đào cả gốc rễ” để tụ về Dung Quất.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ngãi, tính đến nay, Khu kinh tế Dung Quất đã thu hút 349 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 376.978 tỷ đồng (khoảng 17,951 tỷ USD); trong đó, có 54 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng 1,766 tỷ USD và 295 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 337.087 tỷ đồng (khoảng 16,19 tỷ USD). Vốn thực hiện đến nay khoảng 9,2 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025, vốn thực hiện đạt khoảng 13,2 tỷ USD.
Khu kinh tế Dung Quất đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh Quảng Ngãi, góp phần đưa tỉnh Quảng Ngãi từ một tỉnh nghèo, thuần nông, kinh tế xuất phát điểm thấp, ngân sách phụ thuộc sự hỗ trợ của Trung ương từ năm 2005 trở về trước trở thành một tỉnh có nguồn thu lớn của cả nước từ năm 2009 đến nay.
Giai đoạn 2004 - 2009, khu kinh tế Dung Quất chỉ đóng góp 5.000 tỷ đồng vào nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Giai đoạn 2010 - 2021, nguồn thu ngân sách từ khu kinh tế này đạt 197.310 tỷ đồng chiếm gần 80% tổng thu ngân sách tỉnh.
Tầm nhìn 2030 cho khu kinh tế này, Quảng Ngãi định hướng tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nền tảng để sớm hình thành trung tâm cơ khí - luyện kim; trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; từng bước thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Dung Quất theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; thu hút đầu tư và bước đầu hình thành một khu công nghiệp sinh thái và một khu công nghiệp công nghệ cao trong khu kinh tế.