Doanh nghiệp kiến nghị gì tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2023?
Sáng nay (19/3) tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Phiên cao cấp của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2023 với chủ đề “Cộng đồng Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh”.
Giấy phép lao động- khó giữ chân lao động nước ngoài
Tại diễn đàn, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã trình bày một số vướng mắc và kiến nghị. Cụ thể, ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) - chỉ ra trong thị trường toàn cầu ngày nay, Việt Nam cần thu hút và giữ chân người tài. Để làm điều đó, các thủ tục giấy phép lao động hiện tại cần được đơn giản hóa.
“Cần lưu ý rằng đầu tư nước ngoài chất lượng cao là điều cần thiết cho sự thành công của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta không thể thu hút những nhà đầu tư này nếu không thể tuyển dụng và giữ chân những người giỏi” - ông Fluit nhấn mạnh và cho biết thêm: “Sẽ không hợp lý chút nào khi những người nước ngoài đã sống, làm việc và đầu tư tại Việt Nam trong nhiều năm, đã từng được cấp nhiều giấy phép lao động lại bị từ chối gia hạn giấy phép lao động chỉ vì một số vấn đề nhỏ về thủ tục”.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2023 với chủ đề “Cộng đồng Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh” |
Đồng quan điểm, ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cũng cho biết, hiệp hội đã nhận được phản ánh vướng mắc về quá trình từ lúc nộp hồ sơ đến khi được cấp giấy phép lao động mất rất nhiều thời gian.
Ngay cả sau khi nộp hồ sơ lần đầu, nhiều trường hợp phải bổ sung, sửa đổi hồ sơ dẫn đến thông thường phải mất 2-3 tháng mới được cấp giấy phép lao động, thậm chí có những trường hợp mất hơn 6 tháng do phải thực hiện các thủ tục bổ sung.
Đây cũng là vấn đề được ông Greg Testerman - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) nêu ra tại diễn đàn. Theo ông Greg Testerman, các yêu cầu cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Nhiều tổ chức nước ngoài đang có kế hoạch thành lập đại diện thương mại tại Việt Nam mà chưa có người bảo lãnh để xin cấp thị thực vào Việt Nam cho lao động nước ngoài của mình.
Chủ tịch AmCham nhắc đến Nghị quyết 105/NQ-CP vừa hết hiệu lực đang gây khó khăn cho các công ty trong việc giữ chân lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và huy động thêm lao động nước ngoài mới. Bởi những quy định cải tiến về giấy phép lao động hiện đã chuyển sang các quy định nặng nề hơn theo Nghị định 152.
Chủ tịch AmCham mong muốn có những khung pháp lý đầy đủ cho nền kinh tế số. Ngoài ra, các doanh nghiệp thành viên Amcham, đặc biệt trong lĩnh vực dược, gặp phải sự trì hoãn trong việc có được những thủ tục để cấp phép lưu hành thuốc.
Tránh để EVFTA mất tác dụng
Theo ông Gabor Fluit tại EuroCham, cảnh quan, thiên nhiên tươi đẹp cùng di sản văn hóa giàu có khiến Việt Nam trở thành một điểm đến hàng đầu cho khách du lịch. Ông khuyến nghị để khai thác tối đa tiềm năng này, việc miễn thị thực một tháng nên được mở rộng cho tất cả các nước EU và các nước có nhiều khách du lịch khác.
“Hơn nữa, việc thực hiện một chương trình riêng cấp thị thực cho những người về hưu tự túc trong 3 đến 6 tháng có thể là chất xúc tác cho ngành du lịch phát triển mạnh, giống như sự thành công của các quốc gia láng giềng cạnh chúng ta” - ông Gabor Fluit khuyến nghị.
Các đại biểu doanh nghiệp, hiệp hội quốc tế tham dự Diễn đàn |
Hơn hết, điều quan trọng đối với Chính phủ là tiếp tục ưu tiên chuyển đổi số toàn diện. Để làm được điều này, điều quan trọng là phải tạo ra sự tương thích thực tế cho các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam để tuân thủ cả Luật An ninh mạng của Việt Nam và Quy định Bảo vệ dữ liệu chung của Châu Âu.
Điều này đòi hỏi có sự hài hòa giữa luật bảo vệ dữ liệu cá nhân của Việt Nam với luật pháp quốc tế để tạo điều kiện trao đổi dữ liệu giữa các công ty Việt Nam và các công ty đa quốc gia. “Chúng tôi cũng khuyến nghị rằng chữ ký sống và nhận dạng cá nhân nên được thay thế bằng chứng nhận chữ ký điện tử được quốc tế công nhận” - ông Gabor Fluit nói thêm.
Ngoài ra, việc áp dụng các chính sách ưu tiên đám mây đổi mới phải đi kèm với các biện pháp bảo mật, tuân thủ và xác nhận được quốc tế công nhận.
“Về thuế, để khắc phục tác động của thuế suất tối thiểu toàn cầu sắp tới, chúng tôi đề xuất các biện pháp khuyến khích đầu tư mà có thể bao gồm miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển” - ông Gabor Fluit cho biết.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt, chúng ta phải bảo đảm rằng việc xóa bỏ thuế nhập khẩu theo EVFTA không bị mất tác dụng do thuế tiêu thụ đặc biệt lại tăng để bù lại, vì nó sẽ làm suy giảm mục đích thúc đẩy thương mại song phương của hiệp định thương mại tự do.
Trong khi đó, đại diện AmCham cho biết, đánh giá cao những đối thoại từ phía Chính phủ Việt Nam. “Mỹ và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về hiệp định thuế trước những thay đổi về Luật Thuế của Mỹ vào năm 2019. Cả hai quốc gia đang trong quá trình tiến tới ký kết một thỏa thuận sửa đổi một phần nhỏ và chúng tôi hy vọng sẽ kết thúc đàm phán trong năm nay. Điều này rất quan trọng đối với công dân và các công ty Mỹ đang làm việc tại Việt Nam” - ông Greg Testerman cho biết.
“Về thuế đối với đồ uống có đường, thuế đối với nhà thầu nước ngoài hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số, chúng tôi đánh giá cao những đối thoại từ phía Chính phủ” - đại diện AmCham nói thêm.