Cần thiết thành lập Sở giao dịch cà phê tại TP. Hồ Chí Minh
Hồi sinh Sở Giao dịch hàng hóa: Rộng cửa cho doanh nghiệp Chính thức ra mắt Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam |
Tạo lập giá trị cho cà phê từ việc xây dựng Sở giao dịch…
Tại hội thảo “Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?” trong khuôn khổ chương trình Tôn vinh cà phê Việt năm 2023 do Báo Người Lao Động tổ chức, ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sở giao dịch Cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột đã thông tin về sự cần thiết phải thành lập Sở giao dịch cà phê Việt Nam để thay đổi tạo lập giá trị cà phê Việt Nam.
Theo ông Hải, lý do chúng ta cần một Sở giao dịch cà phê gồm: Việt Nam là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, khoảng cách giữa cái nhất của mình và quốc gia đứng thứ 2 là rất xa. Thông thường lẽ ra, Việt Nam phải là bên quyết định giá cà phê Robusta vì chúng ta chiếm tới 60% thị phần thế giới. Nhưng thực tế, dù xuất khẩu cà phê lớn nhưng chuỗi giá trị gia tăng cho người trồng cà phê Việt Nam rất nhỏ. Giá bán cà phê ở thị trường cà phê rang xay ở Bắc Mỹ vẫn cao hơn nhiều so với Việt Nam.
“Cà phê của Việt Nam không có thương hiệu, giá trị gia tăng của nông dân cực thấp so với người bán lẻ, người rang xay”- ông Hải nói. Từ đó, theo ông Hải, cần thiết phải thành lập Sở giao dịch cà phê Robusta tại TP. Hồ Chí Minh, xây dựng Sở giao dịch cà phê, kho ngoại quan tại Đông Nam bộ.
Ông Hải chỉ ra việc cần có kho ngoại quan ngay ở Đông Nam Bộ, cần thuê cảng - cho không chỉ cà phê mà các loại nông sản khác. Khi đó giao dịch online và có hàng ở kho để giao hàng vật chất ngay khi khách hàng cần... Từ đó, cà phê Việt Nam sẽ là người tạo lập giá chứ không phải đi theo giá của họ. Bài học kinh nghiệp từ kinh doanh dầu cọ của Malaysia là minh chứng.
“Muốn VNĐ có giá trị, phải đi từ thị trường hàng hóa như cà phê, gạo, cao su… có thể mua bán bằng VNĐ. Việc thành lập Sở giao dịch hàng hóa của Việt Nam với mặt hàng đầu tiên là cà phê sẽ góp phần nâng giá trị cho VNĐ”- ông Hải khẳng định.
Để nâng cao giá trị cho cà phê Việt, trước hết phải truyền thông cho người tiêu dùng về cà phê sạch |
Thay đổi tư duy xúc tiến thương mại
Bên cạnh xây dựng thương hiệu, ông Lê Hữu Nghĩa - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH nước giải khát cà phê LEKOFE cho rằng, để nâng cao giá trị cho cà phê Việt, trước hết phải truyền thông cho người tiêu dùng về cà phê sạch, chất lượng; truyền thông cho nông dân về trồng cà phê đúng tiêu chuẩn.
Về xuất khẩu cà phê, cần thay đổi tư duy xúc tiến thương mại. Cơ quan xúc tiến nắm thị trường nào thì tổ chức người thu mua bên đó để đưa doanh nghiệp qua tiếp xúc, chào hàng trực tiếp thay vì tổ chức các hoạt động xúc tiến chung chung như lâu nay.
“Chúng tôi tiếp xúc với người tiêu dùng nước ngoài và phát hiện ra họ chỉ dùng cà phê có thương hiệu, được sản xuất bởi những nhà sản xuất bản địa. Cà phê Việt Nam dù ngon hơn, chất lượng hơn, rẻ hơn nhưng họ cũng không để mắt tới. Vì vậy, doanh nghiệp Việt phải bán thô cho những nhà máy có thương hiệu của địa phương để họ sản xuất ra bán”- ông Nghĩa cho biết.
Theo bà Bùi Hoàng Yến, Phụ trách Cục Xúc tiến thương mại phía Nam, Bộ Công Thương, sau COVID-19 doanh nghiệp cần thay đổi về quy trình sản xuất, cập nhật hơn về thông tin thị trường, thị hiếu; phối hợp với các đơn vị ở nước ngoài nghiên cứu sự thay đổi thị hiếu để xây dựng chuỗi sản phẩm phù hợp. Cần đào tạo nhân sự các mảng bán hàng xuất khẩu, thu mua hàng hóa…
“Doanh nghiệp cần đúc kết thêm những kỹ năng vì ngoài việc tham gia các hội chợ quốc tế như cách trước đây thì cần tăng cường kết nối online, những kênh bán hàng online phải thay đổi, kỹ năng về suy nghĩ, logic cũng thay đổi. Ngay việc mua nguyên liệu đầu vào cũng cần làm sao để nguyên liệu đó phù hợp với dây chuyền sản xuất, tiện cận với chất lượng, yêu cầu, làm sao để phù hợp với thị trường của nước ngoài”- bà Yến khuyến cáo.
Trong nhiều năm qua, cà phê luôn là cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, hiện đứng thứ 2 cả nước về diện tích với 710.000 ha. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê. Gần đây, dù kinh tế thế giới có nhiều thời điểm gặp khó khăn dẫn đến sức mua sụt giảm nhưng Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cà phê ở mức đáng khích lệ - đạt 8,2%/năm với kim ngạch bình quân 3,13 tỉ USD/năm giai đoạn 2011-2018, chiếm 15% tổng xuất khẩu nông sản cả nước. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục - đạt hơn 4 tỉ USD, tăng 32% so với năm 2021, chủ yếu đến từ lợi thế về giá trong bối cảnh thế giới thiếu hụt nguồn cung cà phê. |