Cần chính sách đột phá thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp quan trọng
Luật Công nghiệp trọng điểm - Bài 1: Doanh nghiệp Việt cần lực đẩy mới Luật Công nghiệp trọng điểm - Bài 2: Kỳ vọng động lực mới Bộ Công Thương tổ chức Tọa đàm về Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm |
Bộ Công Thương đang tích cực nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Luật Công nghiệp trọng điểm.
Luật sẽ ưu tiên, chú trọng các nguồn lực quốc gia để phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, gồm: Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu - luyện kim, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử, công nghiệp thực phẩm - sinh học, công nghiệp dệt may, da – giày.
Những giải pháp trọng tâm đang được xây dựng sẽ gồm ưu đãi đầu tư, tăng tỷ trọng công nghệ cao, tăng giá trị sản xuất tại Việt Nam, nâng cao năng suất, chất lượng và hình thành các cụm liên kết với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn...
Luật Công nghiệp trọng điểm có thể đáp ứng nhiều kỳ vọng của doanh nghiệp bằng cách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đầu tư, đổi mới công nghệ, hỗ trợ tài chính... Ảnh: Cấn Dũng |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Luật Công nghiệp trọng điểm không hướng tới các công cụ quản lý theo hướng tăng cường sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường và hoạt động của doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Hải, các chính sách dự kiến quy định tại Luật Công nghiệp trọng điểm hướng đến nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững ngành công nghiệp, đưa ra các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp theo định hướng của Đảng – đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng trong từng thời kỳ hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng nhận định, ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm là cấp thiết nhằm khuyến khích, kích thích ngành công nghiệp phát triển.
Luật có vai trò quan trọng trong việc định hình chiến lược và kế hoạch phát triển bền vững cho ngành công nghiệp, đồng thời tập trung tối ưu sử dụng các nguồn lực của đất nước từ trung ương đến địa phương. Bộ Công Thương cũng sẽ nghiên cứu và thu hẹp phạm vi của Luật, nhằm mục đích tránh chồng chéo, trùng lặp, sao cho đạt hiệu quả điều chỉnh cao nhất.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm là rất cấp bách trong tình hình và bối cảnh hiện nay của đất nước. Do các ngành công nghiệp trọng điểm có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển toàn bộ nền công nghiệp và đưa đất nước tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp này giúp tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực quan trọng và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến cả nền kinh tế quốc gia.
Trong bối cảnh nguồn lực quốc gia có hạn, việc đẩy mạnh các ngành công nghiệp trọng điểm sẽ giúp tối ưu hóa sử dụng nguồn lực, tập trung vào những lĩnh vực quan trọng nhất và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Tập trung đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, chú trọng vào những lĩnh vực quan trọng nhất, có thể tận dụng tối đa nguồn lực hạn chế để đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất.
Hơn nữa, việc đẩy mạnh các ngành công nghiệp trọng điểm cũng góp phần vào việc thúc đẩy cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, giúp cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Điều này có thể giúp tăng cường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần vào tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống người dân.
Phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên theo định hướng của Đảng và Nhà nước cũng đồng thời hỗ trợ thúc đẩy các ngành công nghiệp khác và tạo tác động lan tỏa đến cả nền công nghiệp.
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng chú trọng vào việc phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm và đặt ra mục tiêu quan trọng về công nghiệp hóa.
Về phía doanh nghiệp, theo ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Luật Công nghiệp trọng điểm thực thi sẽ tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển bền vững và giải quyết những khó khăn đang tồn tại để tạo động lực mới cho sự phát triển của doanh nghiệp và ngành công nghiệp nói chung, qua đó đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI), nhìn nhận xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm là cần thiết và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và phát triển công nghiệp của Việt Nam.
Xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ giúp tạo ra những điều kiện thuận lợi để các ngành công nghiệp trọng điểm cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Điều này đồng thời tăng cường vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Luật Công nghiệp trọng điểm khi được ban hành kỳ vọng tạo ra cơ chế và chính sách đột phá, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp quan trọng, giúp đất nước đạt được mục tiêu phát triển bền vững và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.