Bộ Tài chính sẽ xử lý nghiêm hành vi trục lợi về giá sau bão lũ
Ngay sau khi bão số 3 (bão Yagi) tàn phá các tỉnh, thành phố miền Bắc, mặt bằng giá cả tại các địa phương chịu ảnh hưởng do bão lũ lập tức leo thang. Minh chứng rõ nhất là giá cả của các mặt hàng rau xanh, hoa quả và một số sản phẩm lương thực, thực phẩm thiết yếu khác.
Giá lương thực, thực phẩm tăng do khan hiếm cục bộ
Liên quan đến giá thực phẩm thời gian gần đây, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, cơn bão số 3 vừa qua tác động và gây ra hậu quả rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và giao thông vận tải. Vì vậy, hoạt động cung ứng hàng hoá, lương thực, thực phẩm bị gián đoạn, dẫn đến nhiều thời điểm khan hiếm cục bộ. Giá một số mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng rau củ tăng so với bình thường.
Tại một số chợ truyền thống, giá lương thực, thực phẩm vẫn ở mức cao. Ảnh P.C |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, tại một số chợ truyền thống tại Hà Nội như chợ Quan Hoa, Bưởi, Nguyễn Công Trứ, Ngọc Hà vào sáng ngày 18/9 cho thấy, không có nhiều các loại rau ăn xanh và đa phần các mặt hàng rau xanh tăng giá mạnh so với tuần trước bão Yagi, có loại tăng hơn gấp ba lần, đặc biệt là rau xanh vẫn tiếp tục "leo giá" từng ngày.
Tại chợ Quan Hoa (Cầu Giấy), giá các loại rau, củ, quả tăng mạnh so với những ngày trước. Mặt hàng rau muống giá 20.000 - 30.000 đồng/mớ, tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/mớ; cải bắp tăng từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng/kg; mỗi bó rau cải ngọt cũng được bán ra với giá 50.000 - 55.000 nghìn đồng trong khi giá bình thường khoảng 7.000 đồng; nhiều loại rau thơm tăng gấp đôi so với trước bão...
Cùng với đó, một số thương nhân lợi dụng tình hình này tăng giá một số mặt hàng nhu yếu phẩm. Tại một số quán cơm bình dân, nhiều người phản ánh tình trạng giá một số món ăn điều chỉnh tăng vì giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh.
Trái lại, tại các hệ thống siêu thị như: BRGMart, Saigon Co.op, Central Retail, WinMart luôn sẵn sàng các mặt hàng từ đồ tươi sống cho tới rau củ quả, mì tôm... nhất là rau xanh không thiếu.
Hàng hoá trong các hệ thống siêu thị được bổ sung kịp thời, không gặp tình trạng tăng giá sau bão lũ. Ảnh P.C |
Đại diện các hệ thống siêu thị trên đều cho biết đã chủ động sớm dự trữ nguồn hàng và có phương án cung ứng bổ sung kịp thời, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, cá, rau xanh... đã được tăng lượng dự trữ, tăng nguồn cung hàng hóa gấp nhiều lần và cam kết không tăng giá bán.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Công điện khẩn 95/CĐ-TTg, chỉ đạo tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương bị ảnh hưởng. Đồng thời, Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì điều hành giá, đã kịp thời phát đi Công điện 03/CĐ-BTC, triển khai đồng bộ hàng loạt biện pháp điều tiết, ổn định thị trường.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Tài chính, các đơn vị, bộ ngành, địa phương đã chủ động sử dụng linh hoạt các công cụ pháp lý để kiểm soát giá cả hiệu quả. Cơ chế kê khai, niêm yết giá được giám sát chặt chẽ, đảm bảo minh bạch thông tin. Kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về giá là ưu tiên hàng đầu, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, nâng giá bất hợp lý.
Bên cạnh những biện pháp hành chính, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thông trong công tác điều hành giá. Hoạt động thông tin kịp thời, minh bạch về diễn biến giá vật tư quan trọng và hàng hóa thiết yếu góp phần hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý tiêu dùng hậu bão lũ.
"Từ đó, người dân nắm bắt thông tin trong công tác quản lý và điều hành giá, hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão lũ", ông Bình nhấn mạnh.
Xử lý nghiêm hành vi trục lợi về giá
Đối với các địa phương, trong Công điện số 03, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường sự phối hợp với Bộ Tài chính cũng như chủ động trong việc nghiên cứu, nắm bắt tình hình giá cả thị trường của những mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có những giải pháp xử lý trong các tình huống liên quan tới hoạt động về quản lý, điều hành giá.
Để giúp nhân dân vượt qua khó khăn sau bão lũ, các địa phương cần sát sao tình hình giá cả và cung cầu hàng hóa, đặc biệt là lương thực thực phẩm thiết yếu. Giám sát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại và siêu thị để kịp thời ngăn chặn tình trạng khan hiếm giả tạo và đầu cơ nâng giá.
Bộ Tài chính sẽ xử lý nghiêm hành vi trục lợi về giá sau bão lũ. Ảnh P.C |
Các bộ ngành và địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, đảm bảo nguồn cung ổn định đến vùng sâu vùng xa chịu ảnh hưởng nặng nề. Đồng thời, tập trung sản xuất để cung ứng sản phẩm thiết yếu cho thị trường. Các đơn vị liên quan phải có phương án điều hành giá linh hoạt đối với mặt hàng nhà nước định giá và dịch vụ công, tránh tác động tiêu cực đến chỉ số giá tiêu dùng.
Bộ Tài chính các địa phương phối hợp chặt chẽ với các ban ngành để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tăng cường quản lý giá, bình ổn thị trường. Khi có biến động bất thường, tùy theo điều kiện thực tế, địa phương có thể thực hiện chương trình bình ổn giá theo thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương giám sát diễn biến giá cả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá để đưa ra các biện pháp điều hành phù hợp.
Theo Nghị định 87/2024/NĐ-CP ngày 12/7/2024, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá từ 50 - 80 triệu đồng với cá nhân và đối với tổ chức mức xử phạt sẽ từ 100 - 160 triệu đồng. đối với hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi.
"Các bộ, ngành theo phạm vi, lĩnh vực ngành hàng quản lý, UBND các địa phương cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá", lãnh đạo Cục Quản lý giá nhấn mạnh.