Xuất khẩu sang thị trường Myanmar: Đảo chiều giữa các nhóm hàng hoá
Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cho thấy, nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may, da giày đạt kim ngạch cao nhất, trên 6 triệu USD, cao hơn 2 triệu USD; sản phẩm từ chất dẻo đạt 5,4 triệu USD, cao hơn 1,39 triệu USD; phân bón các loại ghi nhận sản lượng xuất khẩu tăng vọt với 5,6 triệu tấn, cao hơn hẳn so với con số 640,85 tấn cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng giảm sâu từ 6,479 triệu USD trong tháng đầu tiên năm 2021 xuống còn 1,163 triệu USD trong tháng 1 năm 2022.
Theo bà Nguyễn Thu Thuỷ- Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), với dân số gần 60 triệu người, hầu hết sản phẩm tiêu dùng phải nhập khẩu, Myanmar là thị trường hấp dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là một trong những thị trường Bộ Công Thương triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối, đẩy mạnh xuất khẩu.
Phân tích về lợi thế của hàng Việt, ông Nguyễn Đương Kiên- Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Myanmar - cho hay: Cùng nằm trong khối Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN, 97-98% hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar sang được hưởng ưu đãi với thuế suất 0% nên rất cạnh tranh với hàng hoá của các quốc gia khác. Nền sản xuất của Myanmar còn yếu, nhiều sản phẩm được xuất khẩu dưới dạng thô sau đó nhập khẩu thành phẩm.
Myanmar không có nhiều rào cản về kỹ thuật. Ví dụ, mặt hàng sắt thép xây dựng cũng như nhiều mặt hàng khác chưa có quy chuẩn mang tính chất luật hoá. Điều này giúp doanh nghiệp xuất khẩu không phải vướng quá nhiều thủ tục.
Có sự đảo giữa các nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar |
Điểm thuận lợi nữa, hàng hoá Việt Nam đã có hơn 10 năm tham gia vào thị trường Myanmar và ghi ấn tượng tốt về chất lượng, giá thành cạnh tranh. Mặt khác, thói quen tiêu dùng của người dân Myanmar tương tự với người dân Việt Nam, do vậy hàng hoá xuất khẩu không phải điều chỉnh nhiều.
Tuy nhiên để thuận lợi xuất khẩu sang thị trường Myanmar, theo ông Nguyễn Đương Kiên, doanh nghiệp cần nắm rõ một số quy định mới. Bắt đầu từ năm 2022, có thêm 1.428 mặt hàng phải xin giấy phép, nâng tổng số mặt hàng nhập khẩu vào Myanmar phải xin giấy phép lên con số 5.359. “Vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị và rất nhiều mặt hàng khác của Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar nằm trong danh mục này và phải kiểm tra cụ thể từng mã HS”, ông Nguyễn Đương Kiên khuyến cáo. Đồng thời cho biết, quy định trên là giải pháp nhằm giảm tải thanh toán ngoại tệ với nước ngoài của Chính phủ Myanmar do tình hình ngoại tệ khan hiếm.
Riêng về vấn đề tài chính, ông Nguyễn Quang Ngọc- Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, Tổng Giám đốc BIDV Yangon, thông tin sâu hơn: Thanh khoản tiền USD của Myanmar đang thiếu rất nghiêm trọng. Để giải quyết tình hình này, ngân hàng trung ương Myanmar đã có nhiều động thái quyết liệt để tăng tính thanh khoản trên thị trường ngoại hối và ổn định tỷ giá.
Trong đó, ngân hàng trung ương Myanmar yêu cầu tất cả doanh nghiệp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có doanh thu xuất khẩu phải bán lại USD cho ngân hàng hoặc bán cho doanh nghiệp khác. Ngân hàng trung ương Myanmar cũng đồng thời yêu cầu các ngân hàng định kỳ hàng tuần liệt kê và báo cáo danh sách danh mục khoản thu từ xuất khẩu của doanh nghiệp.
Trong trường hợp doanh nghiệp không bán USD cho ngân hàng mà bán cho doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp mua chỉ được phép bán lại cho ngân hàng chứ không được phép bán cho doanh nghiệp thứ 3. “Cho dù sau 2-3 tháng sau có nhu cầu sử dụng đến USD nhưng trong vòng 30 ngày đầu tiên kể từ khi có doanh thu doanh nghiệp vẫn phải bán lại USD. Điều này sẽ tổn hại tới lợi nhuận của doanh nghiệp”, Tổng Giám đốc BIDV Yangon nói.
Đồng thời với các động thái về mặt kỹ thuật, ngân hàng trung ương Myanmar cũng đưa USD ra thị trường nhưng số lượng rất nhỏ so với nhu cầu và kim ngạch xuất nhập khẩu của Myanmar. Bên cạnh thiếu USD, thanh khoản đồng MMK trên thị trường cũng là khó khăn lớn với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngân hàng trung ương Myanmar cũng quy định, mỗi tuần doanh nghiệp chỉ được rút tối đa 20 triệu Chạt (tiền Myanmar- phiên âm theo cách đọc của tiếng Việt), 10.000 USD, riêng USD, mỗi lần rút chỉ được 5.000 USD. Giao dịch trên 20 triệu Chạt phải thực hiện chuyển khoản, chứ không giao dịch tiền mặt.
Theo Tổng Giám đốc BIDV Yangon, giao thương với nhà nhập khẩu Myanmar, doanh nghiệp trong nước cũng cần lưu ý, một số doanh nghiệp lớn của Myanmar đang bị cấm vận tại Mỹ, EU, Anh…, nếu chuyển tiền vào tài khoản của các doanh nghiệp này nhiều khả năng sẽ bị đóng băng. Doanh nghiệp Việt Nam nên thường xuyên vào website của Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài của Mỹ để cập nhật thông tin về tình hình cấm vận. Bản thân BIDV Yangon, trước khi thực hiện mỗi giao dịch đều rà soát lại các đối tác dựa trên danh sách cấm vận và tư vấn, cảnh báo cho khách hàng để tránh rủi ro.
Bên cạnh đó, Bộ thương mại Myanmar dù đã thông báo danh mục mặt hàng ưu tiên bán buôn, bán lẻ cho doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có một loạt mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, thuốc, thức ăn chăn nuôi… Tuy nhiên, hầu hết mặt hàng trong danh mục này đã được quy định trước đó. Những quy định khó khăn nhất với doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Myanmar vẫn không được sửa đổi, như: Vốn pháp định với doah nghiệp bán buôn là 5 triệu USD không kể tiềnthuê đất, liên doanh là 2 triệu USD không kể tiền thuê đất, doanh nghiệp bán lẻ vốn pháp định tối thiểu 3 triệu USD không kể tiền thuê đất…