“Vực dậy” sản xuất công nghiệp sụt giảm trong quý I: Cần loạt giải pháp tổng thể
Sản xuất công nghiệp sụt giảm trong Quý I
Báo cáo của Bộ Công Thương ngày 21/4 mới đây cho thấy, giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp Quý I năm 2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Nguyên nhân chủ yếu là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%; ngành khai khoáng giảm 5,6% (sản lượng khai thác than giảm 0,5% và dầu mỏ thô khai thác giảm 6%); ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%.
Trong quý I/2023, công nghiệp chế biến, chế tạo không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế khi giá trị tăng thêm của ngành giảm 0,37%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4% (cùng kỳ tăng 7,3%), một số ngành ngành công nghiệp chế biến chủ lực như: dệt may, da giày, sản phẩm điện tử, máy vi tính, xe có động cơ… sản xuất giảm từ 2-8%. Ngành khai khoáng giảm 4,5%, trong đó khai thác dầu thô và khí đốt giảm 6%, khai thác than giảm 0,6%. Ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2023 tăng 19,8% so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp Quý I/2023 sụt giảm do nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan |
Quý I năm 2023 mặc dù đã lường trước những khó khăn của thị trường thế giới sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát tình hình quốc tế và trong nước, chủ động dự báo tình hình từ cuối năm 2022 và đã thực hiện nhiều giải pháp như: Tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; Kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua các kênh xúc tiến thương mại, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; Hỗ trợ thông tin ở từng thị trường xuất khẩu, kết hợp duy trì thị trường truyền thống với thâm nhập, khai thác các thị trường xuất khẩu mới;Triển khai nhiều hoạt động và các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong nước…
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và xuất khẩu vẫn không tránh khỏi tác động nặng nề của suy giảm kinh tế toàn cầu, các chỉ tiêu về sản xuất và xuất khẩu đều giảm, kết quả không đạt so với kịch bản tăng trưởng đã đề ra.
Nguyên nhân đến từ yếu tố khách quan và chủ quan
Nguyên nhân của sự suy giảm sản xuất công nghiệp được đánh giá là đến từ cả yếu tố bên ngoài và bên trong.
Về yếu tố bên ngoài, thứ nhất là lạm phát vẫn còn ở mức cao, chính sách tiền tệ thận trọng, chưa nới lỏng; kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.
Đây là nguyên nhân chủ yếu của việc suy giảm sản xuất công nghiệp đầu năm 2023, bởi thị trường của các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, giá nhiên liệu đầu vào, năng lượng toàn cầu vẫn ở mức cao tác động đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp trong nước.
Về các yếu tố bên trong, có thể thấy sức ép từ lạm phát, lãi suất cho vay tiêu dùng vẫn còn cao đã ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước ở các các sản phẩm xa xỉ như: ô tô, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép, điện tử gia dụng….
Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao.
Cần loạt giải pháp tổng thể
Về sản xuất công nghiệp, để thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai hàng loạt các giải pháp như: Thứ nhất bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực; tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất. Thứ hai là rà soát các tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới và tạo chủ động nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu, phát triển bền vững sản xuất. Thứ ba là tiếp tục tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu, tạo thị trường cho các ngành công nghiệp phát triển.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, việc tháo gỡ các khó khăn này cần được sự hỗ trợ của các Bộ, ngành và chỉ đạo của Chính phủ. Chính vì thế, Bộ Công Thương kiến nghị Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan:
Thứ nhất là sớm ổn định thị trường tài chính, phối hợp đồng bộ, hiệu quả chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh bởi đặc thù của các ngành công nghiệp là cần một nguồn vốn lớn, thời gian quay vòng vốn dài…
Thứ hai là đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kể cả các dự án thuộc đầu tư công
Thứ ba là tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ, ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng, an sinh xã hội cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến nông thủy sản.
Thứ tư là đẩy mạnh việc tạo dựng thị trường cho các ngành sản xuất trong nước, đề nghị Chính phủ, Quốc hội chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, xem xét có chính sách ưu đãi, kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua các gói vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi trong một số ngành hàng như ô tô, điện tử gia dụng… Yêu cầu các tập đoàn kinh tế nhà nước tăng cường mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng sản phẩm và nguyên liệu nhập khẩu; Sớm thông qua và ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ; Sớm phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản để sớm đưa vào khai thác, sử dụng, tạo nguồn động lực tăng trưởng mới; đồng thời bảo đảm tự chủ một phần nguồn cung nguyên liệu cho các ngành luyện kim, vật liệu trong nước; Sớm phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QH điện 8), ngoài việc phát triển điện lực còn giúp tạo dựng thị trường cho các ngành cơ khí năng lượng (như chế tạo các thiết bị điện gió, điện mặt trời, điện khí…) phát triển mạnh trong thời gian tới.