TP. Hồ Chí Minh: Sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn
TP. Hồ Chí Minh triển khai đúng tiến độ dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh: Hơn 500 nhà cung cấp đối thoại kết nối đưa hàng vào siêu thị |
Sản xuất công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn
Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 3/2023 của TP. Hồ Chí Minh có khởi sắc hơn so với hai tháng đầu năm nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối diện nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm, áp lực thiếu vốn, trả lãi vay ngân hàng...
Các doanh nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn do thiếu vốn và dòng tiền |
Báo cáo của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho thấy chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 3/2023 tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 2,3% so cùng kỳ 2022. Tính chung cả quý I/2023, IIP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giảm 0,9% so với cùng kỳ.
Trong 30 ngành công nghiệp cấp II của thành phố, có 15 ngành có mức tăng so với cùng kỳ quý I/2022. Trong số đó có một số ngành tăng mạnh như: Sản xuất đồ uống tăng 53,7%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 46,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 20,5%. Ngược lại, cũng có một số ngành giảm mạnh như sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác đạt (-25,3%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn đạt (-22,1%); sản xuất trang phục đạt (-21,9%); sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm (-20,4%); sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm (-19,4%)...
Đi cùng với chỉ số sản xuất công nghiệp giảm là chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Cụ thể, trong tháng 3 tháng/ 2023 ước tính tăng 4,0% so cùng kỳ. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao như sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 75,4%; sản xuất trang phục tăng 40,6%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 37,6%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 37,2%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 33,9%.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh kết quả khảo sát của Hiệp hội cho thấy có 41,2% số lượng doanh nghiệp được hỏi đã trả lời đang gặp khó khăn do thị trường bị thu hẹp; 17,6% bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu đầu vào tăng; 11,2% thiếu nguồn nhân lực phù hợp; 17,6% thiếu vốn kinh doanh; 5,9% thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh và các khó khăn khác chiếm 6,5%....
Ngoài ra, cũng phải nói thêm với ngành chế biến lương thực thực phẩm. Đây vốn là thế mạnh của sản xuất công nghiệp thành phố nhưng lại sụt giảm 2% doanh số trong quý I/2023. Nguyên nhân do tiêu thụ xuất khẩu toàn cầu sụt giảm dẫn tới lượng hàng xuất khẩu giảm, ngoài ra tại nội địa tiêu thụ cũng giảm sâu do sức mua yếu. Mặc dù Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp thúc đẩy các chương trình kích cầu nhưng không mấy khả quan. Dự báo trong quý II/2023 sẽ còn tiếp tục giảm với ước tính khoảng 4,07%.
Với ngành dệt may, theo ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh, không chỉ lãi suất cho vay quá cao, ngân hàng kiểm soát chặt vốn tín dụng mà một số ngân hàng còn định giá lại tài sản thế chấp chỉ bằng 50% năm ngoái rồi giảm hạn mức tín dụng, càng khiến doanh nghiệp khó khăn hơn. Hiện nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, giảm giờ làm, cắt giảm lao động trong bối cảnh này cộng thêm dòng tiền gặp khó sẽ dễ dẫn tới nợ xấu.
Tháo gỡ nhanh những khó khăn
Với hàng loạt các khó khăn mà cồng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt, TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Cụ thể Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ 2021, càng làm doanh nghiệp khó khăn thêm.
Bên cạnh đó, lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay, lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy nợ vay. Vì thế Ngân hàng Nhà nước có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” (NIM) ở mức 3% cũng là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay nhằm hạ lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng xem xét khơi thông lại chương trình kích cầu đầu tư nhằm giải cứu cho doanh nghiệp đã tham gia mà không được giải ngân. Thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ bán hàng. Cần tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả việc liên kết giữa các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, có lộ trình, có theo dõi, kiểm tra và đánh giá để điều chỉnh, nâng cao hiệu quả trên cơ sở tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát huy thế mạnh từng địa phương.
Thành phố cùng Hiệp hội Doanh nghiệp sẽ thiết lập kênh kết nối định kỳ với cơ quan thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, nhằm thúc đẩy sự tăng cường hợp tác, đầu tư, giao thương Việt Nam với nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan sứ quán triển khai công cụ trực tuyến, tư vấn giải pháp cho doanh nghiệp (tương tác trực tiếp) khi xuất khẩu sang thị trường các nước liên quan.