Việt Nam đẩy nhanh thực hiện cam kết tại Hội nghị COP 26
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị COP 26 |
Các bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức cuối tháng 10, đầu tháng 11/2021 tại Anh, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ; đồng thời cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh Hành động thích ứng toàn cầu…
Chuyển dịch năng lượng hướng đến nền kinh tế xanh |
Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 cách đây 5 tháng, các thành viên Ban Chỉ đạo chủ động thực hiện công việc được phân công. Các bộ, ngành, địa phương đã có một số kết quả quan trọng, từ rà soát, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch đến xây dựng chương trình hành động.
Trong đó nổi bật là việc hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methan; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030...
Một số bộ, ngành cũng đã, đang xây dựng Kế hoạch hành động của ngành triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26 hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0. Nhiều thỏa thuận hợp tác đã được các bộ, ngành ký kết với đối tác phát triển, các định chế tài chính, bước đầu tìm kiếm, huy động nguồn lực hỗ trợ, đầu tư và triển khai giải pháp giảm nhẹ phát thải khi nhà kính, hướng tới phát triển bền vững, phát thải carbon thấp và tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Với những việc làm khẩn cấp nhằm cùng thế giới hành động vì môi trường, nên sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư, tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới mong muốn phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Một số tập đoàn lớn đang tiến hành nghiên cứu, đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam…
Có thể kể đến Tập đoàn Equinor (Na Uy) mong muốn đầu tư và phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Hiện nay, Tập đoàn này đã hợp tác với Bộ Công Thương nghiên cứu phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại địa phương của Việt Nam. Đại diện Tập đoàn Equinor cho biết, Tập đoàn chính thức mở văn phòng đại diện tại Hà Nội, điều này thể hiện cam kết lâu dài của Chính phủ Na Uy trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và tại COP 26.
Xu thế không thể đảo ngược
Biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị... Do vậy, mỗi quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi, nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5oC vào cuối thế kỷ này.
Các chuyên gia cho rằng, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị COP26. Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời gương mẫu, trách nhiệm triển khai những cam kết của mình.
Chống biến đổi khí hậu là vấn đề có tính toàn cầu, toàn dân, cho nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân. Việt Nam là nước đang phát triển phải thực hiện như các nước phát triển, vì vậy cần có sự hợp tác với các đối tác dựa trên công bằng, công lý, có bước đi lộ trình phù hợp, cũng như có sự giúp đỡ về hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực, nguồn vốn, công nghệ, cách quản trị.
Theo ông Alfonso Garcia Mora - Phó Chủ tịch Tổ chức tài chính quốc tế IFC Khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Hai mục tiêu, trở thành quốc gia có thu nhập cao và phát thải ròng bằng 0 trong 30 năm tới, đòi hỏi Việt Nam huy động một lượng lớn vốn tư nhân. Để điều này trở thành hiện thực, Việt Nam phải thiết kế, thực hiện các chính sách và cải cách đúng đắn.
Nhiều ý kiến khuyến nghị Việt Nam cần phải giảm cường độ carbon, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, và sử dụng định giá carbon để thúc đẩy đầu tư.
Đồng thời xác định rõ ứng phó biến đổi khí hậu là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội, cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mọi người dân...; đẩy mạnh triển khai các giải pháp cấp bách giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.
Tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; phát huy nguồn lực của Nhà nước làm đòn bẩy, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội; tăng cường hợp tác công tư; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, chống suy thoái, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cân đói về năng lượng, bảo đảm cho sản xuất, kinh doanh.
Bởi nếu không có các biện pháp thích ứng toàn diện, tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến thêm từ 400.000 đến 1 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2030.
Uớc tính tại Báo cáo Quốc gia Khí hậu và Phát triển cho Việt Nam, để thích ứng và giảm nhẹ các tác động biến đổi khí hậu tại Việt Nam từ nay đến năm 2040 là 368 tỷ USD, tương đương 6,8% GDP mỗi năm. |