Vàng giảm giá hơn 16 triệu đồng/lượng, người dân có nên mua?
Thị trường vàng sáng ngày 3/6: Giá giảm mạnh nhưng khó mua Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo gì khi giá vàng giảm mạnh? |
Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - nguyên Trưởng khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính để hiểu rõ hơn vấn đề này.
Những ngày qua, sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước khiến giá vàng giảm từng ngày. Nếu so với mức đỉnh trước đó, mỗi lượng vàng miếng đã giảm hơn 16 triệu đồng. Ông nhận định như thế nào về sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ trong việc kéo gần chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế?
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - nguyên Trưởng khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính |
Để bình ổn thị trường vàng, thời gian qua, Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt và thực tế đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Cụ thể, thông qua việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng đã giúp thị trường giảm nhiệt.
Đặc biệt, việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện bán vàng trực tiếp cho các ngân hàng thương mại Nhà nước theo mức giá do Ngân hàng Nhà nước xác định căn cứ theo giá thế giới đã kéo gần mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới.
Cụ thể, giá vàng thế giới ở mức khoảng 2.369 USD/ounce, tương đương 72 triệu đồng/lượng, trong nước giá dao động ở mức 76-78 triệu đồng/lượng, cao hơn thế giới khoảng từ hơn 4 triệu đồng/lượng. Việc điều chỉnh giá vàng giảm dần là hợp lý, tránh tạo cú sốc quá lớn cho người dân.
Vấn đề đặt ra là giá vàng trong nước xuống nhanh nhưng liệu có bền vững hay không?
Theo tôi nên giữ giá vàng ở mức 75-76 triệu đồng/lượng. Ở mức này, nếu Việt Nam có nhập vàng cũng không sợ lỗ. Mặc dù việc dùng ngoại tệ nhập vàng có ảnh hưởng đến ngoại hối, song giá bán ra cao hơn giá thế giới, thì không đáng lo ngại.
Do vậy, tại thời điểm này, ngân hàng nhà nước vẫn nên nhập một lượng vàng nhất định và tiếp tục cung ứng vàng cho thị trường, khoảng 1 tháng, người dân sẽ “no” và giá vàng sẽ ổn định.
Vậy theo ông, người dân cũng như nhà đầu tư có nên mua vàng thời điểm này không? Và dự báo của ông như thế nào về xu hướng của giá vàng trong nước cũng như thế giới?
Tôi khuyên không nên mua vàng thời điểm này. Đầu tư vàng thời điểm này rất rủi ro vì Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình điều chỉnh đưa giá vàng trong nước ngang với thế giới.
Cũng cần nhìn nhận, giá vàng tăng “đỉnh” liên tục thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có nhiều vấn đề như đầu cơ, làm giá, cố tình bán nhỏ giọt tạo áp lực tâm lý kích thích khiến người mua đổ xô mua vàng.
Chuyên gia khuyến cáo người dân không nên mua vàng thời điểm này. Đầu tư vàng thời điểm này rất rủi ro. |
Tôi cho rằng, trong thời gian tới, nhà nước sẽ điều chỉnh để giá không tăng như trước đây. Tuy nhiên, Nhà nước cũng chỉ cần can thiệp trong một thời gian, sau đó, nên để giá vàng theo xu hướng thị trường.
Về xu hướng, giá vàng trong thời gian tới sẽ biến động theo giá vàng thế giới. Song, giá vàng thế giới biến động rất khó đoán.
Diễn biến giá vàng thế giới, về nguyên tắc nếu như đồng đô la tăng giá thì vàng xuống và đồng đô la giảm thì vàng phải lên. Sau nhiều nghiên cứu cho thấy, cứ mỗi lần đồng đô la giảm lãi suất thì các nhà kinh tế lại kỳ vọng vàng tăng giá và khoảng 50 năm trở lại đây, từ những năm 70 đến nay, 3 lần đồng đô là giảm lãi suất, vàng tăng từ 15% - 33%...
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua đồng đô la tăng giá nhưng vàng vẫn tăng. Vậy tại sao như thế? Ngoài lý do như chiến tranh, xung đột, các Ngân hàng Trung ương tại các quốc gia mua nhiều... đều đúng. Thêm lý do nữa, giá vàng tăng là do niềm tin và kỳ vọng nhiều ở vàng.
Nhiều ý kiến cho rằng, để bình ổn thị trường, tránh khan nguồn cung như thời gian vừa qua, nên cho các doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu vàng? Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Theo tôi, chỉ nên để nhà nước nhập vàng nhằm đảm bảo công tác quản lý được chặt chẽ. Bởi nếu để cho tư nhân nhập sẽ dẫn đến tình trạng tranh nhau, tìm cách hút ngoại tệ... sẽ loạn. Tôi cho rằng, cách quản lý giá vàng hiện nay phù hợp với tình hình Việt Nam.
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam nên bỏ độc quyền vàng miếng SJC, quản lý qua lập sàn vàng hoặc qua tín chỉ vàng. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam nên xây dựng sàn vàng, lập tín chỉ vàng, bỏ độc quyền SJC… Theo tôi, những giải pháp này thực sự không cần thiết.
Tôi đã nghiên cứu thị trường vàng từ năm 2008-2009 và qua quá trình nghiên cứu thị trường vàng như Trung Quốc hay Ấn Độ, tất cả sàn vàng của Ấn Độ, hay Trung Quốc đều do nhà nước quản lý rất chặt. Họ quy định rất cụ thể ai được kinh doanh, từ đại lý cấp 1 đến cấp 2, 3 và Nhà nước cũng quản lý hoàn toàn việc nhập vàng, thông qua một đến hai doanh nghiệp nhà nước.
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, xu hướng giá vàng trong thời gian tới sẽ biến động theo giá vàng thế giới và khó đoán định. Ảnh minh hoạ |
Để lập sàn vàng, điều quan trọng nhất là chi phí và cơ cấu bộ máy tổ chức, liệu chúng ta có thực hiện được không? Còn lý do lập sàn vàng để tự do hoá thì không phải, vì đến ngoại tệ còn không thể tự do hoá, trong khi vàng quý hơn ngoại tệ.
Về tín chỉ vàng, tôi nghĩ rằng không khả thi. Vì rất khó để tạo lòng tin cho người dân thông qua tín chỉ. Điều này còn phụ thuộc vào tâm lý, nhu cầu tích trữ vàng phòng thân của người dân là cố hữu.
Về bỏ độc quyền hay không độc quyền vàng miếng SJC, theo tôi không quan trọng. Chúng ta xây dựng nó là nhãn hiệu quốc gia thì nên giữ. Và cũng nên xem SJC như một nhãn tên tương tự những tên của thương hiệu khác như DOJI hay PNJ. Chỉ khác nó là vàng chuẩn mang thương hiệu của quốc gia.
Vậy theo ông, giải pháp then chốt để quản lý thị trường vàng là gì?
Tôi cho rằng, vẫn phải để Nhà nước quản lý vàng. Hiện nhà nước đang quản lý rất chặt về ngoại tệ thì không có lý gì không quản được vàng. Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Thứ nhất, để ổn định, minh bạch thị trường vàng, quan trọng vẫn là phải thanh tra kiểm tra thường xuyên, siết chặt quản lý đối với kinh doanh vàng. Vàng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, càng phải có các giải pháp đặc biệt để quản lý tránh đầu cơ, thao túng thị trường vàng.
Thứ hai, cần phải đảm bảo ổn định tâm lý người dân, tránh đổ xô mua vàng tích trữ.
Thứ ba, thực hiện nghiêm túc việc các cơ sở kinh doanh vàng thực hiện kết nối với cơ quan thuế thông qua việc triển khai hoá đơn điện tử. Có như vậy mới kiểm soát được số lượng vàng mua bán, hàng tồn, hàng lậu như nào. Từ đó sẽ tạo sự công khai minh bạch trong kinh doanh vàng.
Ba biện pháp này sẽ bổ sung cho biện pháp Nhà nước cung ứng vàng cho thị trường để kéo giá, bình ổn thị trường.