Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Chiều 17/11, tại huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV.
Hơn 300 cử tri đại điện cho người dân huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều, quận Cái Răng và các chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn thành phố Cần Thơ dự hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ báo cáo với cử tri thành phố về kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tại Kỳ họp; tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp, báo cáo, phản ánh đến cơ quan chức năng giải quyết theo thẩm quyền.
Phát biểu tại hội nghị, cử tri thành phố Cần Thơ bày tỏ vui mừng, tin tưởng vào sự chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; nhờ đó, kinh tế-xã hội phục hồi nhanh và phát triển khá, nhất là trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng.
Cử tri đánh giá cao cá nhân Thủ tướng Chính phủ nói riêng và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ nói chung đã thực hiện tốt vai trò nhiệm vụ của mình, nhất là tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; trong đó, nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri của thành phố Cần Thơ đã và đang được giải quyết tích cực.
Cử tri thành phố cũng phản ánh, kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ nhiều vấn đề nảy sinh, đáng quan tâm. Theo đó, cử tri cho rằng tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, nhân viên y tế chuyển việc; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế chưa được khắc phục hiệu quả.
Cử tri đề nghị nghiên cứu phát triển thêm nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp; đề xuất nên sử dụng một bộ sách giáo khoa dùng chung; đầu tư thêm các tuyến đường bộ cao tốc, phát triển điện gió, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cần Thơ nói riêng; khắc phục tình trạng già hóa dân số; sớm sửa đổi Luật Đất đai phù hợp với tình hình...
Cùng với làm rõ thêm về kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin tới cử tri về tình hình kinh tế-xã hội năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023 và thời gian tới.
Theo Thủ tướng, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, song tình hình kinh tế-xã hội nước ta vẫn đạt thành tựu quan trọng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Ước cả năm 2022 đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng; đời sống người dân được cải thiện. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, hoàn thiện thể chế; cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được đẩy mạnh. Các vi phạm trong các lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư công và nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng được xử lý nghiêm.
Cùng với đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được chú trọng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; trấn áp các loại tội phạm. Các hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Đặc biệt, nhiều vấn đề tồn đọng và những vấn đề mới phát sinh được tập trung chỉ đạo, giải quyết.
Thủ tướng cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Cần Thơ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia và việc lập các quy hoạch còn chậm. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Thu hút FDI gặp nhiều khó khăn…
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cho biết Quốc hội đã có quyết nghị, theo đó tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh; đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Đặc biệt, tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về cải cách thể chế, phát triển hạ tầng chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực...
Đối với các vấn đề cử tri Cần Thơ quan tâm, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây đều là những ý kiến, kiến nghị xuất phát và sát với thực tiễn, đúng và trúng vấn đề xã hội quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp trả lời hầu hết các ý kiến, kiến nghị, tâm tư, băn khoăn của cử tri thành phố Cần Thơ. Trả lời ý kiến của cử tri Lưu Trần Việt Trinh ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều về quản lý môi trường văn hóa trên không gian mạng, Thủ tướng Chính phủ cho biết đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các giải pháp để tăng cường quản lý môi trường văn hóa mạng.
Trong đó, thành lập và vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát không gian mạng Quốc gia để giám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh việc tuyên truyền để từng người dân nâng cao nhận thức, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người sử dụng; tăng cường lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực trên không gian mạng…
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Cùng với đó, đấu tranh quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, truyền thông, ngoại giao; buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp Việt Nam, điển hình là Facebook, Google, Tiktok, Apple, Netflix phải thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ kênh, fanpage, group có nội dung nhảm nhí, giật gân, trái với thuần phong mỹ tục, siết chặt quản lý đối với những người làm video clip kiếm tiền; xử lý quyết liệt các trường hợp người dùng trong nước, đặc biệt là các nghệ sỹ, KOL phát ngôn lệch chuẩn, đăng tải sản phẩm biểu diễn tác động tiêu cực tới giới trẻ hay các nội dung nhảm nhí...
Trả lời ý kiến của cử tri Nguyễn Thị Phượng ở phường An Cư, quận Ninh Kiều về giải quyết tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thiếu thuốc, vật tư y tế, Thủ tướng cho biết Chính phủ đang giao Bộ Y tế hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập để trình Chính phủ ban hành, trong đó dự kiến nâng phụ cấp ưu đãi nghề cho nhân viên y tế dự phòng, y tế cơ sở từ mức 40-70% lên 100%.
Đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương cải cách tiền lương quan tâm tới chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ ngành y tế khi thực hiện chế độ tiền lương mới để nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho nhân viên y tế công lập.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng quy định về tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, đảm bảo nguồn lực tự chủ hoạt động của các bệnh viện công lập; chú trọng công tác tuyển dụng và sử dụng nhân lực y tế; ưu tiên giáo dục, đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nhân lực y tế cho các chuyên khoa khó tuyển, vùng khó khăn, y tế các tuyến huyện, xã...
Về chính sách, giải pháp để bảo đảm đủ thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến đấu thầu, mua sắm vật tư y tế; đồng thời chỉ đạo Bộ Y tế tập trung tháo gỡ những khó khăn về máy móc, trang thiết bị vật tư y tế, thuốc.
Cùng với đó, Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế; kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng biện pháp gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo cơ chế của Nghị quyết số 12/UBTVQH15 nhằm đảm bảo kịp thời nguồn thuốc đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã có các công điện, chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan thực hiện các giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này; đến nay tình hình đã cơ bản được đảm bảo.
Bà Nguyễn Thị Phượng, cử tri quận Ninh Kiều phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Trả lời đề xuất của cử tri về chỉ nên chọn 1 hoặc 2 bộ sách chất lượng nhất để sử dụng chung cho cả nước ổn định lâu dài, Thủ tướng Chính phủ cho biết sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông, được triển khai từ năm học 2002-2003 và ổn định đến nay, tiếp tục được sử dụng đến năm học 2024-2025.
Cũng theo Thủ tướng, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn, thẩm định, phê duyệt và các địa phương tổ chức lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình được quy định tại Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội. Như vậy, sách giáo khoa được sử dụng lâu dài và chỉ thay đổi theo lộ trình Quốc hội đã quy định.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 08/6/2022 và giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ phương án sử dụng ngân sách Nhà nước để mua sách giáo khoa đưa vào thư viện các trường học cho học sinh mượn dùng để tái sử dụng nhiều lần, nâng cao hiệu quả sử dụng sách giáo khoa.
Đối với ý kiến của cử tri Trương Văn Dũng ở phường An Bình, quận Ninh Kiều về vấn đề xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, Thủ tướng cho biết thời gian qua Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, quy định pháp luật và chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho cho công nhân, cán bộ công chức, người thu nhập thấp tại đô thị với một số chính sách ưu đãi.
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn, số lượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại các địa phương trong thời gian qua còn nhiều hạn chế.
Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030." Hiện nay, Đề án đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để các cấp, các ngành triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Ông Dương Văn Bé, cử tri quận Cái Răng phát biểu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Đối với kiến nghị của cử tri Dương Văn Bé ở phường Lê Bình, quận Cái Răng về sửa đổi Luật Đất đai, Thủ tướng Chính phủ cho biết các Bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét; việc xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dựa trên cơ sở tổng hợp những bất cập từ thực tiễn để đề xuất ban hành các quy định mới đảm bảo tính công khai, minh bạch góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất...
Trả lời ý kiến của cử tri Trần Văn Bảy ở phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng về công tác phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian qua, công tác thanh tra đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo, tích cực triển khai, đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2022, toàn ngành Thanh tra đã triển khai trên 7.800 cuộc thanh tra hành chính và hơn 195.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua đó, phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 79.000 tỷ đồng, hơn 10.600ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi trên 27.000 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý gần 52.000 tỷ đồng; ban hành gần 137.700 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 5.822 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.649 tập thể và 7.159 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 538 vụ, 306 đối tượng...
Để tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, sớm phát hiện, ngăn ngừa các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thanh tra ngay một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan xử lý, thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đối với một số cuộc thanh tra được dư luận xã hội quan tâm.
Đặc biệt, trong thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động phát hiện, tập trung thanh tra những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, lãng phí cao; rà soát, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội và lĩnh vực thanh tra; thực hiện có hiệu quả các biện pháp, giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động ngành thanh tra; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh kiểm soát quyền lực trong cơ quan thanh tra; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ngành thanh tra có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ...
Cùng với trả lời trực tiếp với cử tri, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị trên nguyên tắc nội dung thuộc thẩm quyền của cấp, ngành nào thì cấp, ngành đó giải quyết và phải giải quyết thấu đáo; đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết theo quy định; đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ tiếp tục tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định./.