Thích ứng với biến động của kỷ nguyên mới: Cần tầm nhìn dài hạn và chiến lược cụ thể
Kỷ nguyên mới trong hợp tác phát triển Việt-Nhật Kỷ nguyên mới của chuỗi cung ứng trong sản xuất |
Để thích ứng với những biến động này, Việt Nam cần có những chiến lược rõ ràng, tầm nhìn dài hạn, nhưng phải đủ cụ thể.
Xác định rõ những ngành công nghiệp mũi nhọn và có chiến lược cụ thể sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu đặt ra và thu hút đầu tư phát triển |
Nhận diện những biến động của kỷ nguyên mới
Dịp lễ 30/4 năm nay gần với một loạt sự kiện có tính bước ngoặt trên toàn cầu.
Thứ nhất, Ấn Độ chính thức vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới và Trung Quốc được cho là bắt đầu xu thế sụt giảm dân số. Theo các chuyên gia của Liên hợp quốc, từ nay đến năm 2050, dân số Trung Quốc dự kiến giảm gần 110 triệu người (giảm gấp 3 lần mức dự đoán vào năm 2019). Xu thế già hóa và giảm dân số không chỉ là vấn đề của Trung Quốc, mà còn của nhiều quốc gia khác.
Thứ hai, lãi suất toàn cầu chính thức vượt qua ngưỡng 3% ở đa số các nền kinh tế chủ chốt, trong khi cách đây 1 năm chỉ quanh mức 1%. Lãi suất tăng gấp 3 lần, lạm phát lõi được dự báo sẽ duy trì một cách “lì lợm” trong thời gian dài hơn sẽ khiến nhiều hoạt động đầu tư đình trệ.
Thứ ba, rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra sẽ ảnh hưởng ngày một nghiêm trọng đến thế giới, đặc biệt là các nước nghèo và khu vực ASEAN là một trong những nơi có rủi ro cao. Tại một hội thảo gần đây về hợp tác kinh tế của Anh với ASEAN, tôi đọc được một câu nhấn mạnh rằng “ASEAN là một trong những khu vực gặp nhiều rủi ro nhất trên trái đất”, khi đề cập rủi ro biến đổi khí hậu ở khu vực này, trong đó, rủi ro do bão tố, lũ lụt, ngập nước và lở đất là rủi ro hàng đầu, hạn hán cũng là một mối nguy thường trực, ảnh hưởng đến 15 - 25% dân số trong khu vực.
Thứ tư, là sự chậm đi, thậm chí có phần đảo ngược của tiến trình toàn cầu hóa đã mang lại tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong suốt hơn 3 thập niên vừa qua. Sự gia tăng cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc trong hầu hết các lĩnh vực chủ chốt đang dần hình thành một xu hướng mới, đó là các nền kinh tế chủ chốt bắt đầu “chọn phe”, với sự nổi lên của thuật ngữ “chuyển sản xuất đến những nước cùng phe” (friend-shoring).
Năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã sử dụng thuật ngữ “friend-shoring” để mô tả những nỗ lực tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, sao cho các cơ sở sản xuất chủ chốt sẽ được đặt lại ở các quốc gia “thân thiện và đáng tin cậy”.
Đáp trả lại điều đó, Trung Quốc cũng nêu chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, quyết tâm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nước khác. Những diễn tiến đầu năm 2023 cho thấy, Trung Quốc nghiêm túc với quan điểm này, đồng thời nỗ lực khiến nhiều nước chưa thân thiện với Mỹ gia tăng phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, thậm chí nỗ lực phân hóa mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) với Mỹ.
Kết quả là, thời kỳ tăng trưởng nhanh trước đây với nhiều nền kinh tế ở khu vực châu Á sẽ khó lặp lại trong thập kỷ tới, trong đó có nhiều đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam.
Thời kỳ dân số vàng của một số nền kinh tế trong khu vực này, trong đó có Việt Nam, đang dần đi qua. “Cổ tức dân số vàng” - khái niệm nói về tăng trưởng kinh tế do dân số tăng trưởng lành mạnh đi cùng với năng suất lao động tăng theo - lợi thế do dân số tạo ra giảm dần, lợi ích do toàn cầu hóa mang lại sụt giảm, lãi suất cao, áp lực an sinh xã hội tăng lên với sự già hóa của dân số, biến đổi bất lợi của môi trường và những cam kết phát thải bằng 0 sẽ tạo ra nhiều rủi ro cũng như cơ hội.
Với biến đổi khí hậu, chúng ta thường thấy cả hai khái niệm rủi ro do biến đổi khí hậu (climate risk) và cơ hội do biến đổi khí hậu (climate opportunities). Tương tự như vậy với xu thế “chọn phe” của Trung Quốc và Mỹ. Có thay đổi, thì có cả nguy và cơ; quan trọng là làm sao nắm bắt được nó.
Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cần một chiến lược toàn diện để cải cách nền kinh tế, nhằm thích ứng với những thay đổi của một kỷ nguyên mới, rất khác với hơn 3 thập niên trước đây. Chiến lược này phải nhắm đến hạn chế bất lợi và tận dụng cơ hội do những thay đổi của kỷ nguyên mới tạo ra.
Đâu rồi một chiến lược dài hạn?
Trong khuôn khổ một bài viết, tôi chỉ xin lấy câu chuyện về chiến lượccông nghiệp làm ví dụ, vì mục tiêu mà chúng ta hướng tới đã lâu là trở thành một nước công nghiệp tiên tiến.
Cách đây khoảng một tháng, trong buổi tư vấn ngắn cho một ngân hàng ở Singapore về tình hình kinh tế Việt Nam, một người tham dự hỏi tôi rằng: “Theo ông, Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung vào ngành công nghiệp mũi nhọn nào để phát triển trong 5 năm tới”?
Tôi đã bối rối, vì dường như chúng ta có nhiều mũi nhọn quá. Tôi nhận ra, nhà đầu tư nước ngoài cần một chiến lược có tầm nhìn dài hạn và cụ thể để họ tính toán “xuống tiền”, trong khi nước ta dường như vẫn thiếu điều đó.
Việt Nam cần một chiến lược toàn diện để cải cách nền kinh tế, nhằm thích ứng với những thay đổi của một kỷ nguyên mới, rất khác với hơn 3 thập niên trước đây. Chiến lược này phải nhắm đến hạn chế bất lợi và tận dụng cơ hội do những thay đổi của kỷ nguyên mới tạo ra. |
Đầu năm 2022, tôi rất ngạc nhiên khi đọc được đoạn sau đây do Giáo sư Trần Văn Thọ viết: “Sự việc thứ hai, hôm 17/11, tôi nhận được yêu cầu từ Bộ Công thương nhờ góp ý về dự thảo liên quan chính sách công nghiệp bắt đầu xây dựng. Tìm hiểu, tôi ngạc nhiên khi được biết, đây là lần đầu tiên, một bộ chính sách về công nghiệp hoàn chỉnh được chuẩn bị, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp tiên tiến vào năm 2045”.