Tập trung tạo dựng cơ chế cho phát triển điện khí tại Việt Nam
Không để “đó rách ngáng chỗ” trong phát triển điện khí LNG Sắp diễn ra Diễn đàn hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG |
Quang cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, ông Mai Duy Thiện, Tổng biên tập Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam cho biết, Quy hoạch điện VIII đã xác định ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp. Cơ cấu nguồn điện định hướng đến năm 2030: Nhiệt điện khí trong nước đạt 14.930 MW (9,9%), nhiệt điện LNG đạt 22.400 MW (14,9%); đến năm 2050: Nhiệt điện khí trong nước và chuyển sử dụng LNG đạt 7.900 MW (1,4 - 1,6%), nhiệt điện khí trong nước chuyển chạy hoàn toàn bằng hydro đạt 7.030 MW (1,2 - 1,4%), nhiệt điện LNG đốt kèm hydro đạt 4.500 - 9.000 MW (0,8 - 1,8%).
Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh - sạch nói chung và phát triển điện khí LNG không dễ dàng có thể thực hiện một sớm một chiều. Vấn đề là cần nhận diện rõ các thách thức để có giải pháp phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam để thực hiện các nội dung trên cũng như các cam kết quốc tế.
Nói về các thách thức trong phát triển điện khí LNG, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh đặc biệt lưu ý đến ba thách thức nổi bật mà chuyên gia này gọi là các rào cản. Đó là rào cản về cơ sở hạ tầng, quy hoạch và vốn đầu tư. TS Ánh tỏ ý quan ngại khi đến nay Việt Nam vẫn chưa có cơ chế hay quy định cụ thể nào cho việc phát triển điện khí LNG cũng như chưa có quy định hay tiêu chuẩn trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG.
Một vướng mắc nữa cũng được ông Ánh đặt lên bàn hội thảo là các cơ chế chính sách cho LNG vẫn chưa được thống nhất, hoàn thiện, còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp, đặc biệt là cơ chế để đưa được nguồn ra thị trường, cung cấp cho các nhà máy điện; đàm phán giá, cước phí, hợp đồng mua bán điện.
“Ngay trong năm 2024, Quốc hội cần có nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án điện khí LNG nhằm xoá bỏ những rào cản nêu trên, bảo đảm đúng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII”, TS Ánh đề xuất.
Chia sẻ thêm về các thách thức, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, hiện nguồn cung và giá khí hoá lỏng của Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Điều này có thể khiến cho nguồn điện khí Việt Nam trong tương lai không thể chủ động được. Một hệ quả khác của việc phụ thuộc vào nhập khẩu này là dẫn đến giá thành điện khí LNG cao và khi EVN ký các hợp đồng mua bán điện với các chủ đầu tư sẽ ở vào tình thế “mua đắt bán rẻ”. Cùng đó hiện Bộ Công Thương vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí có thể khiến cho các nhà đầu tư không khỏi “lăn tăn” khi lo hiệu quả dự án.
Để có thể nhanh chóng “hoá giải” các thách thức nêu trên theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương Vũ Quang Hùng, cần hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến giá và cơ chế giá bởi cơ chế bán khí cho các khách hàng chưa hoàn toàn thị trường (ngoại trừ khí bán cho các hộ công nghiệp). Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy định để hỗ trợ cho phát triển nhiệt điện khí, bảo đảm phát triển điện khí phù hợp với tình hình hệ thống điện; hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý vận hành chuỗi khí - điện nhằm thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư điện LNG theo hình thức đầu tư (IPP) quy mô lớn…
Còn theo TS Đinh Trọng Thịnh, muốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách. Trong đó, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển. Về mặt cơ chế chính sách cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế...