Sắp diễn ra Diễn đàn hiện thực hóa mục tiêu phát triển điện khí LNG
Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh chính thức khởi động Chuyên gia kinh tế: Điện khí LNG - phân khúc đầy hứa hẹn |
Sự kiện được nhiều cơ quan, đơn vị, bộ, ngành cùng địa phương và doanh nghiệp mong đợi, hướng tới việc tìm kiếm giải pháp khả thi để triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Bồn chứa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Tổng Công ty Khí Việt Nam tại kho cảng LNG Thị Vải (phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh minh họa: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN |
Cả nước hiện có 13 dự án điện LNG (Khí thiên nhiên hoá lỏng) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định số 500/QĐ-TTg. Theo đó, đến năm 2030 sẽ có 22.400 MW điện khí LNG, với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh.
Phát triển điện khí LNG giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, việc đầu tư các dự điện khí LNG ở Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức về thị trường, nguồn vốn, biến động nguồn cung, hợp đồng mua bán cũng như cơ chế, chính sách... góp phần đạt mục tiêu giảm tối đa các nhà máy điện than cũng như phát triển điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, đặc biệt chú trọng hướng tới phát triển khí LNG theo Quy hoạch điện VIII.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra nội dung rất cụ thể, chi tiết về việc sử dụng LNG cho mục tiêu năng lượng chung của đất nước. Theo đó, Chính phủ phê duyệt tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000 - 160.000 MW, gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay. Quy hoạch điện VIII cũng đã xác định nguồn nhiệt điện khí tái hóa từ LNG (khí LNG) chiếm tỷ trọng khoảng hơn 14,9% tổng công suất toàn hệ thống phát điện quốc gia vào năm 2030 và là một trong các nguồn giúp đảm bảo cung cấp đủ, ổn định, an toàn hệ thống điện quốc gia.
Đến năm 2030, tỷ trọng nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn giảm từ gần 29% trong năm 2020 xuống còn 20,5% vào năm 2030; tỷ trọng điện sản xuất từ nguồn điện than giảm nhanh, từ 46,5% trong năm 2020 xuống còn 34,8% vào năm 2030.
Trong khi đó, tỷ trọng nguồn điện khí tăng từ 10,2% (tương đương 7,08GW) vào năm 2020 lên mức 21,8% (tương đương 32GW) trong năm 2030. Đây là nguồn ít phát thải khí nhà kính hơn, đồng thời linh hoạt hỗ trợ tốt hơn cho nguồn năng lượng tái tạo; tỷ trọng điện sản xuất từ nguồn điện khí tăng mạnh, từ mức 12,5% trong năm 2020 lên tới 25,5% vào năm 2030.
Với lợi thế của điện khí là tính sẵn sàng cao, công suất lớn, với dải điều chỉnh rộng, thời gian đáp ứng nhanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính CO2, đặc biệt giảm thiểu khí gây ô nhiễm SOx, NOx so với các nhà máy điện chạy than và dầu, việc đẩy mạnh triển khai tiến độ các dự án điện khí và đưa LNG vào sử dụng còn là phù hợp với cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) về xu hướng sử dụng nhiên liệu giảm phát thải.