Phúc Thọ, Hà Nội: Bỗng dưng gánh nợ, mất đất vì… cho mượn sổ đỏ
Thời gian qua, bà Hứa Thị Thanh Huyền (con gái duy nhất của liệt sĩ Hứa Văn Tứ), trú tại thôn Nội, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội đi khắp nơi liên hệ cơ quan chức năng để cầu cứu. Bởi căn nhà để thờ cúng liệt sĩ Hứa Văn Tứ có nguy cơ trắng vì phải thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho ông H.H.P theo công chứng: 2002/2011/HĐCNQSDĐ, quyển số 05 TP/CC-SCC?/HĐGD ngày 16/09/2011 ký tại Văn phòng công chứng Từ Liêm, Hà Nội.
Bà Huyền cho biết, nguyên nhân là do khoảng tháng 9/2011, cháu dâu là Nguyễn Thị Đông (trú tại thôn Nội, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ) trình bày gặp khó khăn, đến thời hạn trả nợ ngân hàng nhưng không có tiền.
Bà Đông nói muốn mượn sổ đỏ của gia đình để “đáo hạn ngân hàng”. Là người thân nên gia đình đã đồng ý cho cho mượn sổ đỏ, diện tích 307m2. Tối ngày 16/9/2011, bà Đông đưa ông Thiết và bà Huyền đến Văn phòng công chứng Từ Liêm, TP. Hà Nội thực hiện thủ tục vay tiền. Tại đây, văn phòng đã chuẩn bị sẵn giấy tờ để cho ông bà ký.
Tiếp đó, bà Đông đưa vợ chồng Thiết, Huyền đến đường Hồ Tùng Mậu, Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội ký một số giấy tờ khác và đi về, còn việc giao nhận tiền do bà Đông ở lại thực hiện. Thế nhưng, một tháng sau gia đình sang lấy lại sổ đỏ thì bà Đông nói đang gặp khó khăn nên chưa lấy lại được.
Bỗng dưng gánh nợ, mất đất vì… cho mượn sổ đỏ |
Lúc này ông H.H.P tìm đến gia đình và đưa ra Hợp đồng chuyển nhượng đất cùng các giấy tờ liên quan và yêu cầu gia đình sang tên. Gia đình bà Huyền mới tá hỏa vì lúc làm thủ tục cho bà Đông nhận tiền không hề biết có Hợp đồng chuyển nhượng đất.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tý cùng ở thôn Nội, xã Tam Thuấn cũng cho bà Đông mượn sổ đỏ với lý do “đáo hạn ngân hàng”. Ông Tý cho biết, chị Đông là em dâu, vì nể tình nên mới cho mượn sổ đỏ với diện tích 540m2 đất ở để đi vay tiền. Số tiền vay từ ông H.H.P là 1,3 tỷ đồng.
Ông Tý cho biết: “Sau khi phát hiện cô Đông không có khả năng trả nợ, ông H.H.P tìm đến nhà tôi và cho biết, hiện lãi suất rất cao, để giảm bớt thì tôi phải làm thủ tục sang tên mảnh đất cho ông P để mang đi cắm chỗ khác với lãi suất thấp. Thế nhưng sau khi sang tên xong, ông P nói không vay được và giữ luôn. Mọi thủ tục chỉ được thông qua một người tên C để sang tên cho ông P”.
Ông Tý bức xúc: “Gia đình tôi phải đi vay khắp nơi để có được số tiền hơn 1 tỷ đồng. Sau đó đưa cho ông P để chuộc lại, thế nhưng gia đình vẫn không giữ được mảnh đất mà phải bán gấp để trả nợ. Vậy là tiền cũng mất mà đất cũng mất, còn cô Đông thì vẫn ngoài vòng pháp luật”.
Chưa hết, ông Tý cho biết, bà Đông còn mượn một sổ đỏ khác của gia đình cũng với diện tích 540m2. Sổ này bà Đông mang đi vay với số tiền 700 triệu đồng, sau đó cũng loanh quanh lấy lý do không trả, hiện vẫn đang bị một người tên Luân giữ.
Cùng kịch bản, ông Trịnh Văn Tuyển, cùng trú tại thôn Nội, xã Tam Thuấn cũng cho bà Đông mượn sổ đỏ. Ông Tuyển cho biết: “Ông H.H.P đã lừa gia đình tôi để đứng tên chủ sở hữu mảnh đất mang tên Trịnh Văn Tuyển diện tích 579m2 tờ số 2, địa chỉ xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (nay là TP. Hà Nội) cấp”.
“Các thủ tục do cô Đông và ông P chủ động hướng dẫn vợ chồng tôi ký vào các giấy tờ để vay tiền, địa chỉ ký không rõ ràng và đi vào ban đêm. Sau đó tôi mới biết là ký hợp đồng chuyển nhượng ở phòng công chứng Từ Liêm. Vay bao nhiêu, lãi suất như thế nào tôi không rõ vì vợ chồng tôi không hiểu về việc vay tiền và thế chấp sổ đỏ. Khi hết thời hạn thế chấp, ông P cho người mang hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đến nhà tôi, nếu không trả tiền thì lấy đất”, ông Tuyển cho biết.
Ông Tuyển còn cho rằng: "Trong khi làm hợp đồng, nhóm ông P và cô Đông đã đính chính lại sổ đỏ của gia đình tôi từ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ ông Trịnh Văn Tuyển thành giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Trịnh Văn Tuyển. Lúc này tôi mới biết, cùng với gia đình tôi, gia đình chị gái tôi là Trịnh Thị Sâm và gia đình Thiết, Huyền cùng bị hội làm ăn của ông P và cô Đông lừa từ việc mượn sổ đỏ vay tiền sau đó đính chính và lập thành hợp đồng chuyển nhượng đất”.
Theo tìm hiểu, tại thôn Nội, xã Tam Thuấn còn có những trường hợp khác cũng cho mượn sổ đỏ vay tiền với hình thức như trên, tuy nhiên sau đó cũng phải bỏ số tiền lớn để lấy lại sổ.
Để xác minh, làm rõ thông tin, phóng viên đã liên hệ bà Nguyễn Thị Đông. Khi được hỏi về việc mượn sổ đỏ, bà Đông xác nhận có mượn sổ đỏ của hộ ông bà Thiết, Huyền, ông Tý, bà Sâm và ông Tuyển để đi vay tiền từ ông H.H.P.
Bà Đông cho biết: “Ông P với tôi là hội làm ăn với nhau. Khi mượn được sổ đỏ, làm thủ tục xong thì tôi là người trực tiếp nhận tiền từ ông H.H.P. Khi nhận tiền đều phải trả lãi trước một tháng. Tôi không trốn tránh trách nhiệm vì tiền là do tôi nhận và sẵn sàng gánh mọi hậu quả, không ai gánh thay được”.
Trước sự việc trên, một số hộ dân đã làm đơn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Phúc Thọ; Công an TP Hà Nội; Tòa án nhân dân các cấp để làm rõ. Ngày 23/8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Phúc Thọ có phiếu hướng dẫn gửi Thiết và bà Huyền. Theo phiếu hướng dẫn, Cơ quan Cảnh sát điều tra nhận được đơn với nội dung: Vợ chồng ông bà Thiết – Huyền tố cáo bà Nguyễn Thị Đông và ông H.H.P về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng hình thức làm hợp đồng sang tên chuyển nhượng thửa đất của gia đình ông Thiết để che giấu hợp đồng vay mượn tiền giữa bà Đông và ông P, sau đó chiếm đoạt thửa đất này.
Theo Công an huyện Phúc Thọ, nội dung đơn tố cáo đã được Tòa án nhân huyện Phúc Thọ thụ lý, giải quyết xét xử theo thủ tục tố tụng dân sự. Công an huyện Phúc Thọ đề nghị ông bà Thiết – Huyền gửi đơn đến Tòa án nhân dân huyện Phúc Thọ để được giải quyết theo thẩm quyền.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Đỗ Việt Dũng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Các hợp đồng liên quan đến vụ án có dấu hiệu của “hợp đồng giả tạo”, do hành vi chuyển quyền sử dụng đất được thực hiện hàng loạt trong một thời gian ngắn với các hộ gia đình, đều liên quan đến mục đích vay tiền của bà Đông, không phải là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Cụ thể, theo quy định Điều 129, Bộ Luật dân sự 2005, giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu”.