54 người ở Quảng Ninh trình báo bị lừa đảo hơn 250 tỷ đồng
Thời gian qua, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng vẫn tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, hướng dẫn cách nhận diện và phòng tránh, nhưng không ít người dân vẫn bị lừa đảo.
Chị N.T.N (trú tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những trường hợp gần đây nhất bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tham gia đầu tư vào sàn giao dịch điện tử có tên “vuonlannghe.com” trên mạng Internet với mục đích tăng thêm thu nhập hàng tháng.
Chị N.T.N trình báo với cơ quan công an về việc bị lừa đảo hơn 500 triệu đồng khi đầu tư vào sàn giao dịch điện tử có tên “vuonlannghe.com” (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh). |
Ban đầu, do chưa tin tưởng nên chị N đầu tư với số tiền nhỏ. Tuy nhiên sau lần rút tiền thành công với mức lợi nhuận cao, chị N tin tưởng tiếp tục đầu tư thêm. Khi số tiền đầu tư lên đến hơn 500 triệu đồng thì trang web đã bị sập. Toàn bộ số tiền đầu tư bị mất.
Theo Công an tỉnh Quảng Ninh, không chỉ có chị N bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 54 tin trình báo của người dân liên quan đến các hành vi lừa đảo với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 250 tỷ đồng; trong đó 16 vụ liên quan đến thủ đoạn chiêu trò kêu gọi đầu tư.
Điểm chung của các vụ việc này là tội phạm lừa đảo có nhiều thủ đoạn với nhiều kịch bản được chuẩn bị công phu. Ban đầu các đối tượng sử dụng mạng xã hội để đăng các thông tin về đầu tư chứng khoán, tài chính thu về lợi nhuận cao, khi nạn nhân muốn tìm hiểu để đầu tư thì các đối tượng kết bạn và nhắn tin nói chuyện, tìm hiểu hoàn cảnh của nạn nhân để tạo niềm tin và đưa ra kịch bản lừa đảo phù hợp.
Sau đó mời nạn nhân tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội như telegram, zalo, messenger facebook... do các đối tượng lập ra.
Trong các hội nhóm này, các tài khoản sẽ khoe khoang việc đầu tư vào sàn chứng khoán thu về số tiền cao để thu hút nạn nhân tham gia hoặc rủ nạn nhân góp vốn đầu tư. Khi nạn nhân cắn câu, đầu tư số tiền lớn chúng sẽ chủ động đánh sập hệ thống, cắt đứt liên lạc để chiếm đoạt tài sản.
Hầu hết các dạng đầu tư trên mạng qua các sàn giao dịch, website đều có máy chủ đặt ở nước ngoài nên việc truy vết, điều tra đối tượng lừa đảo là rất khó khăn.
Bên cạnh các chiêu trò lợi dụng lòng tham của bị hại, kêu gọi tham gia vào các hoạt động đầu tư không có thật, hiện nay tình trạng các đối tượng lừa đảo mạo danh các cơ quan tổ chức gọi điện tiếp cận người dân để lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp.
Ngoài lừa đảo qua mạng bằng hình thức kêu gọi đầu tư, thời gian gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh còn nhận được tin nhắn, cuộc gọi qua điện thoại của một số đối tượng tự xưng là nhân viên điện lực yêu cầu khách hàng thanh toán tiền điện bằng cách chuyển khoản số tiền điện vào tài khoản cá nhân của các đối tượng lừa đảo.
Qua kiểm tra, xác minh cơ quan chức năng đã xác định tất cả những cuộc điện thoại này đều là mạo danh, lừa đảo.
Từ thực tế nêu trên, cơ quan công an khuyến cáo, từ nay đến cuối năm lợi dụng nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, các đối tượng lừa đảo, trong đó chủ yếu là lừa đảo qua mạng Internet, mạng xã hội sẽ tiếp tục áp dụng các chiêu trò lừa đảo.
Cụ thể như: Mạo danh người thân, tổng đài ngân hàng, hoặc các cơ quan chức năng để tiếp cận lừa đảo. Từ đó, người dân cần tăng cường cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn, đề nghị cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, vay tiền hay mua hàng online với giá ưu đãi...