Phát triển thành phố Tân Uyên trở thành trung tâm lớn phía Nam tỉnh Bình Dương
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự Chương trình "Bình Dương: Khởi động – Kết nối - Phát triển mới" Bình Dương: Di dời doanh nghiệp ngoài các khu, cụm công nghiệp bắt đầu từ năm 2024 |
Cùng 3 thành phố hiện hữu là: Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An; Tân Uyên là thành phố thứ 4 trực thuộc tỉnh Bình Dương và được kỳ vọng có bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa và hạ tầng giao thông. Là địa bàn nằm ở phía Đông Nam của tỉnh, Tân Uyên tiếp giáp với 4 thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. Đây là lợi thế để Tân Uyên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp, dịch vụ, thương mại.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn (giữa) trao Nghị quyết thành lập Thành phố Tân Uyên. |
Sau khi thành lập, thành phố Tân Uyên có 12 đơn vị hành chính cấp xã với 10 phường (gồm: Hội Nghĩa, Khánh Bình, Phú Chánh, Tân Hiệp, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Thái Hòa, Thạnh Phước, Uyên Hưng, Vĩnh Tân) và 2 xã (gồm: Bạch Đằng, Thạnh Hội).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng và biểu dương những thành tích vượt bậc về kinh tế - xã hội, an ninh trật tự... trong thời gian qua của thành phố Tân Uyên nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung; đồng thời đề nghị, lãnh đạo tỉnh cũng như địa phương tiếp tục quán triệt nghiêm túc, thực hiện các nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Địa phương chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển đô thị gắn với phát triển kinh tế, xây dựng Tân Uyên là đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, đầu mối giao thông vùng; tăng cường công tác quản lý đất đai, quy hoạch, cư trú, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, lãnh đạo địa phương cần quan tâm bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội và các hạ tầng xã hội khác (y tế, giáo dục, văn hóa, dịch vụ công cộng, cây xanh, công viên...); giải quyết vấn đề “an cư lạc nghiệp” cho người lao động, bảo đảm sự phát triển đồng đều, cân bằng và bền vững. Tỉnh cần tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hạ tầng số, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu; đồng thời, quan tâm làm tốt công tác dân vận, phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, kịp thời giải quyết những bức xúc của người dân ngay từ cơ sở, phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ.
Tân Uyên là địa phương luôn đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 12,57%/năm, trong đó dẫn đầu là ngành công nghiệp. Hiện địa phương có 1.866 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 32.560 tỷ đồng; 637 doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 5.297 triệu USD. Thành phố có nhiều khu công nghiệp quy mô lớn như: các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) II mở rộng, Nam Tân Uyên… Thời gian tới, Khu công nghiệp VSIP III sẽ được xây dựng với quy mô khoảng 1.000 ha, tổng mức đầu tư hạ tầng dự kiến hơn 6.400 tỷ đồng. Hiện có khoảng 31 doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất tại địa phương, tương đương 176 ha đất công nghiệp và 1,8 tỷ USD vốn đầu tư dự kiến.
Một góc thành phố Tân Uyên nằm bên sông Đồng Nai. |
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển thành phố Tân Uyên trở thành trung tâm lớn phía Nam tỉnh Bình Dương về công nghiệp, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hóa - du lịch; là đô thị mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh đến sinh sống và làm việc. Không gian liên kết giữa đô thị Tân Uyên và đô thị Bình Dương cũng như Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Biên Hòa sẽ được kết nối thành đại đô thị phía Nam của đất nước; là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và vùng.
Năm 2023, thành phố Tân Uyên sẽ thực hiện 5 công trình trọng điểm gồm: Dự án nạo vét, gia cố suối Cái đoạn từ cầu Thợ Ụt đến sông Đồng Nai; công trình nâng cấp, mở rộng đường ĐH 402; công trình đường ĐT 746 Tân Thanh - Hội Nghĩa; công trình nâng cấp, mở rộng đường ĐH 401; dự án cải thiện môi trường nước tỉnh Bình Dương.