Phát triển du lịch cộng đồng: Lợi thế của Việt Nam
Bản Lác giờ đã là điểm du lịch cộng đồng quen thuộc trong lòng du khách
Lợi thế lớn
Du lịch cộng đồng là hình thức du lịch được sở hữu bằng quản lý cộng đồng, các hình thức này gồm: Du lịch sinh thái, Du lịch nông nghiệp, Du lịch nông thôn, Du lịch làng, Du lịch bản địa và Du lịch văn hóa…Dựa trên khái niệm này thì Việt Nam - nơi có cộng đồng dân cư đa dạng về sắc tộc và có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú sẽ là lợi thế rất lớn để phát triển loại hình du lịch độc đáo này.
Thực tế, khoảng chục năm lại đây, du lịch cộng đồng bắt đầu phát triển khá mạnh ở Việt Nam. Trong đó, Sa Pa (Lào Cai) hay Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) được xem như là những điển hình cho sự thành công của mô hình homestay (khách du lịch cư trú tại nhà của người dân địa phương) tại Việt Nam.
Tại Bản Lác, vào những năm 1990 du lịch cộng đồng ở đây mới bắt đầu hình thành và phát triển theo hướng tự phát nhưng chỉ sau ba năm (đến năm 1993) thì loại hình du lịch này đã tạo cơ hội việc làm cho nhiều hộ gia đình nghèo, góp phần vào chương trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Đến nay thì Bản Lác đã là một điểm du lịch cộng đồng rất quen thuộc trong lòng du khách gần xa. Không phải là một nơi sầm uất, tấp nập, không hào hoa tráng lệ, không cao lương mỹ vị, tất cả đều dân dã, tự nhiên, gần gũi thân thiện nhưng lại khiến mỗi năm có tới 3-4 vạn lượt khách đến tham quan, nghỉ lại tại đây.
Ở Bản Dền, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa cũng nhờ phát triển du lịch cộng đồng nên nơi đây không chỉ đón được từ 3-3,5 vạn du khách/năm mà còn mở ra cơ hội thu hút các nhà đầu tư vào du lịch và các lĩnh vực khác như: hệ thống giao thông, trường học, mở rộng và nâng cấp các làng nghề truyền thống, trùng tu các di tích lịch sử… Ở Làng cổ Phước Tích (Huế), làng chài Cửa Vạn (Quảng Ninh)… loại hình homestay cũng đã góp phần nâng cao đời sống hàng ngày cho người dân tại đây.
Theo nhiều chuyên gia, điểm hấp dẫn nhất đối với khách trải nghiệm homestay là chỉ trong một khoảng thời ngắn du khách vừa có cơ hội thưởng ngoạn vẻ đẹp của di sản văn hóa thế giới, vừa có thể hiểu thêm về nếp ăn ở, sinh hoạt cũng như nét văn hóa của cư dân địa phương. Điều này không chỉ có tác động tích cực đến sự phát triển chung của du lịch mà còn tạo ra sự giao lưu văn hóa, phong tục tập quán giữa các dân tộc và các quốc gia khác nhau, tăng cường các mối quan hệ trong cộng đồng người dân.
Phát triển có trách nhiệm
Dù đã chứng tỏ việc mang lại cơ hội mới giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng yếu thế nhất phát triển kinh tế, song du lịch cộng đồng tại Việt Nam cũng đang tạo ra không ít những mối “đe dọa” cho các cộng đồng địa phương như: tác động môi trường, tính không bền vững về kinh tế, những thay đổi về văn hóa… Hệ quả của vấn đề này là do du lịch cộng đồng ở Việt Nam mới đi những bước đi đầu tiên, còn mang nặng tính tự phát và đang định hình mô hình, sản phẩm phát triển…
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay: Du lịch Việt Nam coi phát triển cộng đồng là mục tiêu và phương thức phát triển du lịch bền vững. Tuy vậy, việc phát triển du lịch cộng đồng cần thông qua nguyên tắc tôn trọng di sản tự nhiên và văn hóa bản địa. Một hình thức du lịch cộng đồng tốt sẽ giúp gìn giữ, bảo vệ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng. Do đó, các nhà quản lý, nhà khoa học cần phối hợp nghiên cứu và hướng dẫn người dân bản địa hiểu sâu hơn về bản sắc riêng của văn hóa tộc người, vẻ đẹp tài nguyên du lịch tự nhiên… từ đó xây dựng thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, phong phú để thu hút du khách, tạo thêm nguồn thu cho người dân các địa phương, nâng cao ý thức xã hội về bảo tồn văn hóa.
Nhằm hỗ trợ phát triển Du lịch có trách nhiệm, Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (EU) cũng đã tài trợ các trang thiết bị với giá trị lên tới 100.000 Euro cho 10 nhà văn hóa xã của 10 cộng đồng trên cả nước (Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Đắk Lắk, Cần Thơ và An Giang). Đồng thời, Dự án cũng xây dựng các tài liệu cho cộng đồng như Sổ tay Du lịch cộng đồng; tài liệu hướng dẫn vận hành du lịch lưu trú tại nhà dân; tập huấn nâng cao nhận thức và năng lực thực hành du lịch có trách nhiệm cho các cộng đồng nói trên, bước đầu đã mang lại những kết quả khá tích cực.
Du lịch cộng đồng đang nhận được nhiều sự đồng thuận trong chiến lược phát triển du lịch không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia phát triển khác. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Du lịch cộng đồng phải thực sự là mô hình vì cuộc sống của người dân, thu hút sự tham gia tích cực của người dân, có trách nhiệm của cộng đồng địa phương. Và khi nào người dân thực sự hưởng lợi thì du lịch cộng đồng mới thực sự phát triển”./.
T.Tâm