Nước sạch nông thôn: Thay đổi cách tiếp cận
Tính đến hết năm 2015, đã có 86% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có khoảng 35% từ các công trình cấp nước tập trung, còn lại là từ các công trình nhỏ lẻ; khoảng 45% người dân được sử dụng nước đạt Quy chuẩn Việt Nam 02 của Bộ Y tế….
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến nhưng Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, vẫn còn tình trạng chênh lệch về tỷ lệ cấp nước và vệ sinh giữa các vùng, địa phương và giữa các huyện, xã trong 1 tỉnh. Hệ thống cấp nước sạch nông thôn còn thiếu bền vững. Trong tổng số 16,2 nghìn công trình cấp nước tập trung ở nông thôn chỉ có khoảng 75% công trình hoạt động hiệu quả, số còn lại hoạt động kém hiệu quả hoặc dừng hoạt động….
Chia sẻ tại Hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước cung ứng dịch vụ công về nước sạch và vệ sinh môi trường cấp tỉnh” diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Lê Thiếu Sơn - Giám đốc Trung tâm Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho biết: Tại một số tỉnh, thành phố, mặc dù có nhiều mô hình về quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn nhưng chưa phát huy hiệu quả, năng lực quản lý điều hành ở các cấp, đặc biệt ở một số địa phương còn hạn chế, làm giảm hiệu lực và hiệu quả thực hiện các chính sách của Chính phủ. Các cơ chế chính sách chưa thu hút được sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó có khu vực tư nhân, làm chậm tiến trình xã hội hóa.
Để chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường đạt hiệu quả cao hơn, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường các tỉnh, thành phố trong thúc đẩy mô hình đối tác công - tư (PPP); bổ sung cơ chế giá thu hút khu vực tư nhân tham gia; chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình tham gia đầu tư công trình cấp nước; phân bổ nguồn vốn từ Trung ương đến địa phương trong đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung….
Ông Trần Ngọc Hiểu - Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Nam Định chia sẻ: Từ năm 2016 trở đi, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn lồng ghép trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có rất nhiều lĩnh vực và việc phải làm trong khi nguồn lực của Trung ương và cấp tỉnh còn hạn chế. Vì vậy, Nam Định tập trung đẩy mạnh thu hút khu vực tư nhân thông qua hình thức PPP. Theo đó, chúng tôi thí điểm triển khai “mô hình cấp nước liên xã” tại xã Trung Đông - huyện Trực Ninh và xã Nam Thanh, Nam Hải - huyện Nam Trực.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh, để hướng đến mục tiêu năm 2020 cả nước có 90% người dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch; 50% số xã đạt chuẩn NTM, việc tăng cường quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ công về nước sạch có ý nghĩa hết sức quan trọng. Để làm được điều này phải tăng cường huy động nguồn vốn khu vực tư nhân. Trong đó, phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, tập trung thay đổi nhận thức người dân và đổi mới thể chế, tạo động lực để khu vực tư nhân tham gia với chính sách đồng bộ, quy trình triển khai minh bạch.
Nguyễn Hạnh