Đà Nẵng: Kiệu hương vào vụ Tết
Thời điểm này, các hộ trồng kiệu tại TP. Đà Nẵng đang tất bật chăm sóc, chuẩn bị cho cao điểm vụ thu hoạch kiệu phục vụ Tết Nguyên đán. |
|
Kiệu hương dầm mắm (còn gọi là củ kiệu muối, kiệu hương muối) là món ăn không thể thiếu trên mâm cơm ngày Tết truyền thống của người dân miền Trung. Những ngày này, đến các thửa ruộng trồng kiệu tại huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) đều bắt gặp người dân đang tất bật nhổ cỏ, bón phân, chăm sóc cho vụ kiệu chính của năm - vụ kiệu hương phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới. |
Theo Hội nông dân xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang), kiệu hương trên địa bàn xã tập trung chủ yếu ở thôn Nam Sơn. Nghề trồng kiệu ở đây đã có từ những năm 1975 đến nay và chủ yếu chỉ trồng để tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Ra đồng nhổ cỏ từ sớm, bà Lê Thị Mùi (thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến) cho biết, năm nay vợ chồng bà trồng khoảng gần 500m2 kiệu. Do thời tiết nắng nên kiệu phát triển chậm hơn so với mọi năm. “Mới mưa xong nên nhà tôi tranh thủ làm cỏ rồi xới đất bón phân cho kiệu. Để có thu hoạch cũng cực lắm, nhưng làm riết rồi quen, rồi cũng có thu nhập cho Tết nữa”, bà Mùi chia sẻ. |
Thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) có hơn 40 hộ trồng củ kiệu với tổng diện tích gần 4ha. Đây cũng là vùng trồng kiệu tập trung lớn nhất TP. Đà Nẵng. Theo mẹ ra đồng trồng kiệu từ khi mới hơn 10 tuổi, đến nay, đã hơn 70 tuổi, ông Nguyễn Châu (thôn Thạch Nham Tây) và vợ cũng vẫn giữ và trồng gần 500m2 củ kiệu hàng năm. “Gia đình tôi có truyền thống trồng củ kiệu từ nhiều đời. Đây không phải công việc chính nhưng gia đình tôi không bỏ năm nào. Một phần là để có đồng lo mua sắm thờ cúng Tết, phần nữa, kiệu là món ăn truyền thống xưa nay không thể thiếu trong bữa cơm ngày Tết ở đây nên ít nhiều gì cũng sẽ có trồng”, ông Châu chia sẻ. |
Bà Nguyễn Thị Bông (SN 1986, thôn Thạch Nham Tây) - Tổ trưởng Tổ hợp tác kiệu hương Hòa Nhơn - cho biết, tại Hòa Nhơn, củ kiệu được trồng quanh năm. Tuy nhiên, cao điểm tiêu thụ kiệu hàng năm là vào dịp Tết cổ truyền. Vụ chính của các hộ trồng kiệu bắt đầu từ tháng 8 âm lịch hàng năm và cho thu hoạch vào đầu tháng 12 âm lịch. “Đầu tháng 8 xuống giống, sau đó sẽ chăm sóc khoảng 4 tháng, đến đầu tháng 12 sẽ thu hoạch và bắt đầu làm các sản phẩm kiệu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Tết”, bà Bông nói và thông tin thêm, việc trồng kiệu phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nắng quá sẽ không nảy mầm, mưa quá sẽ hỏng mầm; khi lá kiệu trồi lên trên mặt đất là nhổ cỏ, xới đất, bón phân liên tục. |
Riêng nhà bà Bông năm nay trồng khoảng 0,5 ha củ kiệu phục vụ mùa Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo bà Bông, đầu tháng 12 âm lịch, sau khi thu hoạch kiệu sẽ tùy theo nhu cầu thị trường để cung ứng nhiều sản phẩm khác nhau làm từ kiệu như: Bán củ kiệu tươi (về người dân tự muối), kiệu chua ngọt, kiệu sấy, kiệu dầm chay. Đặc biệt là sản phẩm “kiệu hương dầm mắm Hòa Nhơn” (do bà Nguyễn Thị Bông là chủ thể sản phẩm) – sản phẩm OCOP 4 sao của TP. Đà Nẵng luôn “cháy hàng” mỗi dịp Tết đến, Xuân về. “Kiệu hương rất được ưa chuộng dịp Tết Cổ truyền, ăn kèm với bánh tét, thịt muối… Mọi năm, sản phẩm kiệu hương dầm mắm của tôi (sản phẩm OCOP 4 sao của Đà Nẵng) cung không đủ cầu. Tôi còn nhập thêm kiệu nguyên liệu của các hộ trong tổ hợp tác để đủ cung ứng ra thị trường”, bà Bông thông tin. Đại diện Tổ hợp tác kiệu hương Hòa Nhơn cho hay, những năm gần đây, giá củ kiệu (tươi) được thu mua tương đối ổn định và được giá (dao động từ 25.000 – 35.000 đồng/kg). “Năm nay thời tiết cũng không quá thuận, hy vọng kiệu hương vẫn sẽ đạt chất lượng. Chăm sóc ròng rã mấy tháng trời, ai cũng kì vọng sẽ có một vụ Tết thắng lợi”, bà Bông chia sẻ. |
Bài và ảnh: Vũ Lê |