Những thương vụ thâm tóm công ty tài chính đình đám của nhà đầu tư ngoại
Tham vọng của AEON sau thương vụ thâu tóm công ty tài chính từ tay SeABank Sau 10 năm có mặt, AEON Việt Nam đón 180 triệu khách hàng mua sắm AEON Việt Nam thúc đẩy phân phối và tiêu dùng bền vững |
Gần đây, những thương vụ thâu tóm công ty tài chính giữa các doanh nghiệp nước ngoài và ngân hàng trong nước đang diễn ra khá sôi nổi. Trong số đó, thậm chí có những công ty tài chính đang chiếm thị phần lớn tại Việt Nam nhưng các ngân hàng trong nước vẫn mạnh tay rao bán.
Đơn cử như, hồi tháng 10/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), một công ty con do tập đoàn Sumitomo Mitsui Financial Group của Nhật Bản sở hữu 100% vốn.
Ở thương vụ này, FE Credit được định giá 2,8 tỷ USD, tương ứng với số tiền mà VPBank thu về là gần 32.000 tỷ đồng. Đây cũng là thương vụ bán vốn công ty tài chính có giá trị lớn nhất tại Việt Nam từng được biết đến.
Thời điểm đó, FE Credit là công ty tài chính tiêu dùng dẫn đầu tại Việt Nam với khoảng 50% thị phần, 20.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc, và trên 13.000 nhân viên. FE Credit đã phục vụ gần 11 triệu người dân Việt Nam thông qua các sản phẩm và dịch vụ cho vay tín chấp của mình.
Còn Tập đoàn SMBC là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, với tổng tài sản trên 2.100 tỷ USD tại thời điểm 31/12/2020. Tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp, và ngân hàng đầu tư trên toàn cầu, với sự hiện diện tại trên 40 quốc gia.
Theo thông tin từ chính ngân hàng này, việc thoái bớt một nửa vốn điều lệ tại FE Credit sẽ tạo điều kiện củng cố năng lực tài chính và mở rộng hơn nữa các hoạt động kinh doanh ở những phân khúc tiềm năng khác của ngân hàng.
Những thương vụ thâm tóm công ty tài chính đình đám của nhà đầu tư ngoại |
Tương tự, hồi tháng 5/2023, SHB cho biết đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) – thành viên Tập đoàn MUFG (Nhật Bản).
Dẫn lời trên tờ Nikkei Asia, đại diện Krungsri từng tiết lộ nhà băng này sẽ chi 5,1 tỷ Baht, khoảng 3.500 tỷ đồng cho thương vụ.
Ông Đỗ Quang Vinh – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc SHB cho biết, giao dịch này sẽ mang lại nguồn thặng dư đáng kể cho cổ đông SHB, tạo thêm nguồn lực để Ngân hàng tăng cường năng lực tài chính và các yếu tố nền tảng, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm. Đặc biệt, SHB sẽ tiếp tục đầu tư hơn nữa cho quá trình chuyển đổi số, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho SHB tại khu vực.
Ngoài ra, MSB đã công bố kế hoạch bán 100% vốn công ty tài chính FCCOM cho đối tác ngoại. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào cuối năm 2021, lãnh đạo MSB cho biết thương vụ chuyển nhượng FCCOM có giá trị trên 2.000 tỷ đồng. Ở thời điểm đó, FCCOM có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
Trước đó, Techcombank đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Kỹ thương (TechcomFinance) cho Công ty TNHH Thẻ Lotte của Hàn Quốc.
Ngày 20/10, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) phát đi thông báo đã chính thức ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của SeABank tại Công ty Tài Chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) tương đương 100% vốn điều lệ PTF cho AEON Financial Service, với giá trị 4,3 nghìn tỷ đồng. “Việc chuyển nhượng 100% vốn góp của PTF cho AEON Financial Service sẽ giúp SeABank có thêm nguồn lực để tăng cường năng lực tài chính, mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm, hướng tới mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ được yêu thích nhất” SeABank cho biết. |