Vụ Vạn Thịnh Phát:
Những người được Trương Mỹ Lan thuê nhờ đứng tên vay khống sẽ bị xử lý thế nào?
Theo cáo trạng vừa được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành, một trong những thủ đoạn bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng để "rút ruột" hơn 1 triệu tỷ đồng từ Ngân hàng SCB là chỉ đạo thành lập các công ty "ma", thuê, nhờ hàng trăm cá nhân đứng tên hồ sơ, cổ phần, tài sản đảm bảo để tạo lập hồ sơ vay khống.
Đồng thời, nhóm của Vạn Thịnh Phát cũng câu kết với một số cá nhân là giám đốc, chủ sở hữu các công ty có liên quan để lập khống hồ sơ vay, cùng sử dụng, chiếm đoạt tiền của SCB.
Bà Trương Mỹ Lan đã thuê, nhờ hàng trăm cá nhân đứng tên hồ sơ, cổ phần, tài sản đảm bảo để tạo lập hồ sơ vay khống |
Các nhóm đối tượng được thuê đứng tên ký khoản vay, đại diện pháp luật Công ty ký hồ sơ vay, đứng tên tài sản bảo đảm, ký chứng từ rút, chuyển tiền, làm nhân viên kế toán, nhân sự hành chính… liên quan đến các hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định là các đối tượng có vai trò thứ yếu.
Kết quả điều tra xác định, có 875 khách hàng gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay, được Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên.
Trao đổi với Báo Công Thương, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết cho biết: Theo quy định của pháp luật thì những người đứng tên hộ trong đăng ký kinh doanh, trong cổ phần doanh nghiệp là vi phạm pháp luật. Pháp luật không cho phép tổ chức cá nhân đứng tên vốn hộ tổ chức cá nhân khác, trừ trường hợp ủy thác đầu tư.
Bởi vậy, trong trường hợp tổ chức cá nhân đứng tên hộ tổ chức cá nhân khác với từ cách là cổ đông, thành viên góp vốn hoặc là người đại diện theo pháp luật nhưng thực tế không góp tiền, cũng không tham gia quản lý điều hành thì có thể xem xét trách nhiệm pháp lý theo quy định.
Theo ông Cường, trường hợp biết rõ hành vi đứng tên như vậy là sai trái, là giúp sức cho thực hiện hành vi phạm tội thì những người này sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm. Trong trường hợp không biết là hành vi của mình giúp sức cho bị can khác thực hiện hành vi phạm tội thì có thể sẽ không bị xử lý hình sự, trừ trường hợp hành vi đó thỏa mãn dấu hiệu cấu thành một tội độc lập khác.
“Về nguyên tắc, đồng phạm là những người có cùng ý chí thực hiện một tội phạm. Bởi vậy để xác định những người đứng tên hộ trong các doanh nghiệp hoặc đứng tên cổ phần hộ có phạm tội hay không thì phải làm rõ ý chí của họ với ý chí của người phạm tội xem có cùng ý chí hay không. Nghĩa là họ có biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật, giúp sức cho hành vi phạm tội của người khác hay không. Nếu biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm pháp luật phải giúp sức cho người khác thực hiện hành vi phạm tội mà vẫn thực hiện thì đó là hành vi vi phạm pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Vẫn theo Luật sư Đặng Văn Cường, khi xét xử vụ án có đồng phạm thì ngoài các nguyên tắc để quyết định hình phạt theo quy định tại Điều 50 Bộ Luật hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng còn căn cứ vào Điều 17 của Bộ Luật hình sự để đánh giá vai trò đồng phạm, mức hình phạt sẽ cá thể hóa vai trò đồng phạm. Theo đó người chủ mưu, khởi xướng, người thực hành tích cực sẽ bị áp dụng mức hình phạt cao hơn. Còn với người đồng phạm là giúp sức, xúi giục, vai trò thứ yếu thì sẽ chịu mức hình phạt thấp hơn khi tòa án lượng hình.
Mặc dù được thuê, làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo nhưng nếu biết lãnh đạo của mình thực hiện hành vi như vậy là vi phạm pháp luật mà vẫn làm theo thì xử lý theo quy định pháp luật, không oan. Trong trường hợp đó pháp luật bắt buộc phải từ chối, kể cả trường hợp nghỉ việc. Nếu sợ mất việc mà vẫn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên khi quyết định hình phạt, tòa án sẽ cân nhắc.
Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường |
Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán cũng chỉ rõ là với những người phạm tội do bị ép buộc, không hưởng lợi thì sẽ được hưởng khoan hồng. Còn những người chỉ đạo, ép buộc người khác phạm tội, hưởng lợi lớn, vai trò chính, chủ mưu, khởi xướng thì sẽ phải chịu hình phạt nghiêm khắc.
Nghị quyết có nội dung: "Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm;
Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra;
Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra".